Bố trí nhân lực hỗ trợ người dân đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông ngày đầu bán vé thương mại
Trong các ngày 20 - 21/11, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội huy động lực lượng cán bộ, công nhân viên tham gia hỗ trợ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, góp phần giúp ngày đầu bán vé (21/11) được thuận lợi, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Bà Tạ Thị Mỹ Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội cho biết, ngày mai (21/11), là ngày đầu tiên tuyến đường sắt đô thị bán vé, khai thác thương mại, hẳn không ít người dân sẽ bỡ ngỡ, vì vậy, Công đoàn ngành đã tham mưu với Ban Giám đốc Sở GTVT Hà Nội huy động lực lượng Đoàn Thanh niên đồng thời bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở, phối hợp với Công đoàn Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân, phục vụ nhiệm vụ quan trọng này.
“Chúng tôi đã huy động 30 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở GTVT Hà Nội dành 2 ngày cuối tuần để tham gia hỗ trợ, điều phối hành khách trên các ga của tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tùy theo lượng hành khách, công tác bố trí, phân công và điều phối cụ thể sẽ theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội” - bà Tạ Thị Mỹ Thanh chia sẻ.
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội, thời gian qua Công đoàn ngành GTVT Hà Nội nói riêng và Sở GTVT Hà Nội nói chung đã tích cực tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia, sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng nhằm mục tiêu từng bước giảm phương tiện cá nhân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho Thành phố.
Với riêng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng vậy, đây là loại hình vận tải hành khách công cộng tiên tiến, thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.
Chia sẻ thêm về công tác chăm lo, hỗ trợ người lao động, ông Ngô Minh Hoàn - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, Công đoàn ngành đã tổ chức rà soát các trường hợp khó khăn của ngành, trong đó tổ chức các “Chuyến xe 0 đồng” hỗ trợ cho người lao động. Với riêng lao động đường sắt, Công đoàn ngành đã hỗ trợ khoảng 500 suất quà. Những phần quà mang ý nghĩa tinh thần lớn, giúp người lao động yên tâm hơn, gắn bó với doanh nghiệp.
“Thời gian tới, Công đoàn ngành GTVT Hà Nội sẽ đẩy mạnh rà soát và hỗ trợ, đảm bảo tất cả người lao động đều có Tết; chú trọng phối hợp với đơn vị đồng cấp chăm lo Tết cho người lao động, đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Ngô Minh Hoàn thông tin.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể được xem như dấu mốc đầu tiên cho xu thế phát triển vận tải công cộng hiện đại của Hà Nội. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, tuyến đường sắt này trong tương lai gần sẽ mang lại hiệu quả đột phá từ tính chất vận tải khối lượng lớn của mình, chuyên chở cả nghìn hành khách trên mỗi chuyến, góp phần tăng cường năng lực của tất cả các loại hình vận tải hành khách công cộng khác. Chẳng hạn, trên dọc hành lang đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, có 55 tuyến buýt có trợ giá kết nối ngang và dọc. Nhà ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt kết nối. Tại điểm đầu cuối là ga Cát Linh và Yên Nghĩa là 16 tuyến. Các nhà ga có bố trí điểm gửi xe máy, xe đạp. Giá vé của tuyến đường sắt cũng được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng. Giá vé chặng 8.000 - 15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1km cộng thêm 600 đồng; giá vé ngày là 30.000 đồng. Giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người, với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng. Các đối tượng được miễn phí xe buýt cũng sẽ được miễn phí sử dụng đường sắt đô thị.