Bộ trưởng báo tin vui 'có địa phương doanh thu du lịch trên 800%'
'Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao về du lịch nội địa, có nơi doanh thu trên 800% như Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM', Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng thông tin.
Giải pháp phục hồi du lịch nội địa sau 2 năm đại dịch là vấn đề đầu tiên đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 10/8.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết du lịch là ngành chịu tác động nhiều nhất từ đại dịch Covid-19. Thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới cho thấy ngành du lịch giới thiệt hại 2.400 tỷ USD trong năm 2021. “Du lịch Việt Nam chưa thể thống kê chi tiết, nhưng thiệt hại rất lớn khi đóng băng trong 2 năm”, theo ông Hùng.
Kể từ ngày 15/3, khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch, ông Hùng cho biết lượng khách du lịch nội địa tăng, khách quốc tế cũng cao gấp 10 lần năm ngoái với 950.000 lượt, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên.
Theo ông Hùng, khi khách quốc tế chưa thể đến Việt Nam sau đại dịch, Thủ tướng chỉ đạo chọn du lịch nội địa làm “bệ đỡ”. Vì thế, hoạt động ở các địa phương nhằm kích cầu du lịch nội địa đã đóng góp tích cực cho phát triển du lịch.
“Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao về du lịch nội địa, đặc biệt doanh thu từ dịch vụ này. Có địa phương doanh thu trên 800% như Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM. Các dịch vụ đi theo cũng có sự tăng trưởng đáng phấn khởi”, Bộ trưởng Văn hóa thông tin.
Để đón khách quốc tế, người đứng đầu ngành văn hóa nhìn nhận còn có khó khăn, nhưng cần tiếp cận từ hai góc độ.
Một là muốn tổ chức đón khách quốc tế phải tính toán điểm đi và điểm đến, tức là đảm bảo sự kết nối giữa nơi đón khách và nơi khách đi. Việc này cần vai trò của đơn vị lữ hành trong kết nối. Hai là chủ động làm mới sản phẩm du lịch.
“Sau dịch, khách quốc tế đang có xu hướng lựa chọn không đi theo số đông mà chọn điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa”, theo ông Hùng. Ông nhấn mạnh các yếu tố văn hóa là lợi thế của Việt Nam so với các nước nên cần dựa vào đây để khai thác, đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế.
Một giải pháp khác, theo ông Hùng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi đến Việt Nam, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp.
Nói thêm về việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng Văn hóa đưa ra so sánh trong khu vực ASEAN, Việt Nam chưa đón nhiều khách quốc tế (khoảng 950.000 lượt).
“Chúng ta còn thua Thái Lan (2,2 triệu lượt khách), Malaysia (2 triệu lượt), nhưng đang vượt xa Capuchia, Indonesia, Philippines”, ông Hùng cho biết.
Với quan điểm cần bình tĩnh hướng đến các thị trường truyền thống, song theo ông Hùng, việc này còn phụ thuộc nhiều vào chính sách phòng, chống dịch và mở cửa ở các quốc gia.