Bộ trưởng Bộ Công an: Phát hiện cả triệu người không có bất cứ loại giấy tờ nào

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sáng 10-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, qua công tác làm căn cước công dân cho người dân, lực lượng công an đã phát hiện cả triệu người không có bất cứ loại giấy tờ nào.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại tổ. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại tổ. Ảnh: TTXVN

Thông tin thêm về dự án Luật tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Đoàn Hưng Yên) cho biết, quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ để không ai có thể xâm nhập lấy được dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, trung tâm dữ liệu dân cư đã đi vào vận hành ổn định, đã giúp đỡ rất nhiều cho công tác quản lý xã hội, đồng thời tạo thuận tiện lớn cho người dân. Theo Bộ trưởng, đối với công tác quản lý xã hội thì việc hình thành cơ sở dữ liệu dân cư là một sự cải cách lớn.

Bộ trưởng cho biết, căn cước công dân với các thông tin tích hợp trong đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhà nước tiết kiệm được chi phí tổng điều tra dân số mỗi lần 1.500 - 2.000 tỷ đồng, tiết kiệm hàng loạt giấy tờ về lái xe, chứng thực, sổ bảo hiểm, số theo dõi sức khỏe… vì các thông tin đã được tích hợp trong căn cước của người dân. Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho hay, qua làm căn cước công dân cho người dân, lực lượng công an đã phát hiện cả triệu người không có bất cứ loại giấy tờ nào.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn về thông tin quê quán trên thẻ căn cước công dân. "Quê quán chúng ta ghi quê cha, tức là quê nội, cuối cùng thông tin này đem lại ý nghĩa gì. Tại sao quê quán lại là quê cha, mà không phải quê mẹ. Nếu đã thể hiện quê cha trên thẻ căn cước công dân thì có thể thêm quê mẹ hay không?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, thống nhất về "nơi sinh" hay là "nơi khai sinh". Bởi theo đại biểu, một người có thể sinh ở bệnh viện, thậm chí trên máy bay, tàu thuyền… nhưng sẽ khai sinh ở tỉnh khác, do đó cần thống nhất.

Về dự kiến cấp căn cước công dân cho 14 tuổi trên tinh thần tự nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Đoàn Sóc Trăng) cho biết có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến đồng ý và có ý kiến lại không. Về mặt tích cực, đại biểu Tùng cho biết, về quy định đi máy bay, bình thường trẻ em phải xuất trình giấy khai sinh để chứng minh bản thân nhưng loại giấy tờ này lại không có ảnh để nhận dạng khuôn mặt, khó xác nhận. Còn khi được cấp thẻ căn cước công dân, có ảnh và nhiều thông tin liên quan sẽ rất thuận tiện.

Dù vậy, với trẻ em dưới 14 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 5-6 tuổi thì nhận dạng thay đổi rất nhanh, rất khó xác nhận. Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá khi luật được ban hành sẽ có khoảng bao nhiêu trẻ em được cha mẹ tự nguyện đưa con đến làm thẻ công dân để có bước chuẩn bị, tránh lãng phí.

Dự thảo luật cũng đã quy định sửa đổi một số thông tin thể hiện trên thẻ căn cước công dân. Cụ thể, dự thảo luật đổi thông tin dòng chữ "căn cước công dân" thành dòng chữ "thẻ căn cước"... Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn về quy định này và cho rằng "không có nhiều ý nghĩa" khi đổi dòng chữ thẻ "căn cước công dân" thành thẻ "căn cước" nên không cần thiết phải thay đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thảo luận tại tổ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thảo luận tại tổ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, nếu như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước tốt, kết nối và chia sẻ được thì chỉ cần căn cước công dân thay vì phải dùng đến 5 loại giấy tờ. “Nhưng quá trình làm, chúng ta phải chấp nhận “sự quá độ” nên trong chừng mực nào đó còn có hạn chế. Đơn cử như hiện nay, chúng ta có chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, sau đó căn cước công dân có gắn chíp, không có gắn chíp và thẻ căn cước”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đối với việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải làm rõ giải pháp công nghệ để khai thác hiệu quả thông tin, không làm lộ lọt bí mật thông tin, không vi phạm quyền công dân, quyền con người. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nội dung này cần được quy định trong luật hay văn bản dưới luật cho các cơ quan có thẩm quyền.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1066739/bo-truong-bo-cong-an-phat-hien-ca-trieu-nguoi-khong-co-bat-cu-loai-giay-to-nao