Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Giá khởi điểm đấu giá bao nhiêu không quan trọng
'Thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm', Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích.
Sáng 21-10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá (Nghị quyết).
Bộ trưởng Tô Lâm nói rõ: Quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, nguyên tắc xuyên suốt của Bộ Công an là không đưa ra khái niệm “biển số đẹp”, “kho số đặc biệt” hoặc “kho số đẹp”… Theo Bộ trưởng, việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là “tài sản công đặc thù”, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ “đẹp” theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó.
Bộ Công an đề nghị xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất hiện đang áp dụng tại địa phương (theo quy định Thông tư 229/TT-BTC ngày 11-11-2016 của Bộ Tài chính) nhân với hệ số để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, đồng thời căn cứ vào giá trị trung bình của 1 chiếc xe ô tô tại Việt Nam khoảng 800.000.000 đồng để tính % khi áp dụng giá khởi điểm (tương đương 2,5-5% giá trị xe ô tô).
Việc quy định 2 mức giá khởi điểm căn cứ vào thực tiễn và quy định về thu lệ phí đăng ký xe từ nhiều năm nay (vùng 1 gồm: Hà Nội, TPHCM: 40.000.000 đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại: 20.000.000 đồng). “Tuy nhiên, thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm”, Bộ trưởng Tô Lâm giải thích.
Về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá biển số, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QP-AN) của Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Lê Tấn Tới cho biết, vẫn còn những ý kiến phân vân ở một số nội dung cụ thể. Ông đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận một số vấn đề như loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá; giá khởi điểm, tiền đặt trước và bước giá; hình thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô.
Bên cạnh đó, quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá; quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe cũng là những nội dung được cơ quan thẩm tra đề nghị các vị ĐBQH lưu ý. Cuối cùng là thời gian thực hiện thí điểm và điều khoản thi hành.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ được trình Quốc hội thảo luận vào ngày 2-11 và xem xét thông qua vào cuối kỳ họp thứ 4 theo trình tự tại một kỳ họp.