Bộ trưởng Bộ Công thương hứa sẽ tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện
Chiều 4-11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình trước Quốc hội về tác hại của thủy điện mà nhiều đại biểu đã nêu.
Theo đó, như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay tổng số cả nước ta có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các quy mô khác nhau. Với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng công suất khoảng 20.000MW, chiếm 37% công suất nền, công suất phát của đất nước trong hiện nay. Là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận những tác động từ mặt tiêu cực do thủy điện, đặc biệt là tác động đến môi trường, cả đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của dân sinh.
Theo ông, việc tác động thế nào ở đây lại do tổng thể và tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Vì vậy, chuyện cho rằng thủy điện tác động đến dòng chảy, tác động đến cấu trúc địa chất đất ở khu vực cũng như các nguồn lợi thủy sản, đời sống của nhân dân là chưa thực tế.
“Đặc biệt, trong giai đoạn trước kia thì rất nhiều dự án thủy điện của chúng ta chiếm dụng đất rừng tự nhiên và cũng gây ra những ảnh hưởng.” Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Trả lời ý kiến của ĐBQH liên quan đến việc kiểm soát thủy điện để không cho phép xâm lấn rừng, Bộ trưởng Công Thương khẳng định, từ 2016 tuyệt đối không bổ sung bất cứ thủy điện nhỏ nào chiếm đất rừng tự nhiên.
Diện tích chiếm dụng đất của dự án đã giảm, quy định là không vượt quá 10 ha/1MW nhưng thực tế chiếm dụng chỉ 1,9 ha/1MW. Điều này cho thấy thực thi chính sách chặt chẽ.
Đến nay đã đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án và 8 dự án thủy điện bậc thang, 213 dự án tiềm năng cũng được đưa ra khỏi quy hoạch.
Liên quan đến vấn đề các đại biểu quan tâm về việc cần phải đánh giá lại về hiệu quả, cũng như những nguy cơ đặt ra cho việc xả lũ gây thiệt hại cho nhân dân cũng như là các yếu tố khác, tác động môi trường, ông Tuấn Anh đồng tình. Tuy nhiên theo ông, không thể tránh khỏi có những câu chuyện tại một số địa phương như việc thực thi không nghiêm.
Ví dụ tại thủy điện Hố Hô năm 2016 ở đầu nhiệm kỳ đã để xảy ra câu chuyện xả lũ vượt quá mức về hồ và gây ra ngập lụt hạ du.
Về vấn đề dư luận đang đặt ra việc ảnh hưởng của thủy điện đến lũ bão, ngập lụt cũng như những nguy cơ của sạt lở đất, bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định rằng, câu chuyện sạt lở đất gây ra những tổn hại rất nghiêm trọng về người và của tại Quảng Trị, Huế và Quảng Nam vừa rồi gắn chặt với yếu tố thời tiết là những tính dị thường và cực đoan của thời tiết.
“Ví dụ, theo con số báo cáo của các cơ quan chuyên môn và chức năng, lượng mưa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong những thời điểm này là con số rất lớn, đến mức độ hàng ngàn mm/đợt. Như ở Trà My lượng mưa lên tới hơn 2.500mm của cả thời kỳ. Thời gian lưu bão của cơn bão số 9 kéo dài 6-8 tiếng. Đây là những nguy cơ rất lớn, tạo ra tác động đến cấu tạo địa chất cũng như điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, gây ra sụt lở rất nghiêm trọng.” Ông nói.
“Tất nhiên, những câu chuyện liên quan đến tác động của vấn đề mất rừng đầu nguồn và thảm thực vật, mất độ kết dính của đất là những vấn đề do tác động của con người thông qua dự án thủy điện cũng như các dự án khác là những vấn đề chúng ta không thể phủ nhận trong một mức độ, chừng mực nhất định.” Ông tiếp.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Tuấn Anh hứa sẽ làm việc với các địa phương và các bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế, những mặt tích cực, để từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển thủy điện, làm sao để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có, đồng thời tiếp tục khai thác tốt những nguồn tài nguyên của đất nước.