Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Bắc Kạn
Chiều 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại và phát triển năng lượng...
Chiều 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thị trường trong nước; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Công Thương địa phương; Cục Công nghiệp. Cùng tham dự buổi làm việc còn có Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam...
Về phía tỉnh Bắc Kạn có ông Hoàng Duy Chinh - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ban ngành địa phương.
Động lực để Bắc Kạn phát triển…
Báo cáo của tỉnh Bắc Kạn cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, như: Điều kiện thời tiết gây bất lợi cho sản xuất mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến việc sản xuất, khai thác vùng nguyên liệu cung cấp cho các dự án công nghiệp; dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên diện rộng và đặc biệt là giá xăng, dầu biến động tăng, giảm đã gây tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế trên địa bàn… nhưng dưới sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của các cấp lãnh đạo và các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh… an sinh xã hội, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, công tác đảm bảo an sinh xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục duy trì và ổn định.
6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh) tăng trưởng 5,45%. Cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản 24,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng 16,35% (trong đó: Công nghiệp 10,12%; xây dựng 6,23%); khu vực Dịch vụ 56,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 3,02%.
Ngành công nghiệp của tỉnh với tỷ trọng và số tuyệt đối còn thấp nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt tốc độ tăng trưởng 9,44%, cao hơn bình quân chung của cả nước (7,54%). Đây là kết quả đáng ghi nhận của tỉnh về phát triển công nghiệp, cũng như là động lực, cơ sở để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tốc độ phát triển ngành công nghiệp tỉnh Bắc Kạn 13%/năm giai đoạn 2020-2025 như Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ tư (khóa XII) đã đề ra.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 tăng 11,04% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 7,46%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,94%; ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,3% và nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,68%.
Ngành công nghiệp của tỉnh hoạt động ổn định, đảm bảo tăng trưởng so với cùng kỳ 2023, đóng góp chủ yếu trong ngành công nghiệp là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,94% so với cùng kỳ (nhóm ngành chế biến thực phẩm có chỉ số sản xuất tăng 14,9% so với cùng kỳ; nhóm ngành sản xuất đồ uống có chỉ số sản xuất tăng 17,4% so với cùng kỳ; nhóm ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa có chỉ số sản xuất tăng 30,9% so với cùng kỳ; nhóm ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có chỉ số sản xuất tăng 22,3% so với cùng kỳ; đặc biệt là nhóm ngành sản xuất kim loại có chỉ số sản xuất tăng cao nhất trong nội ngành là 40,7% so với cùng kỳ).
Xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Theo phương án phát triển khu công nghiệp (KCN) được tích hợp trong quy hoạch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh có 8 khu công nghiệp, tổng diện tích 2.361ha, trong đó: KCN Thanh Bình - giai đoạn I đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được 62ha/80,7ha đất quy hoạch (phần diện tích còn lại đang triển khai thực hiện), diện tích đất công nghiệp đã đưa vào sử dụng là 46 ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 100% với 12 dự án đầu tư); KCN Thanh Bình - giai đoạn II với quy mô 80,3ha hiện đang hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống hạ tầng KCN Thanh Bình giai đoạn II; các khu công nghiệp khác đang lập quy hoạch phân khu xây dựng để thu hút đầu tư.
Đối với cụm công nghiệp (CCN): Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có điều kiện địa hình đồi núi có độ dốc lớn, suất đầu tư cao, dẫn đến việc phát triển CCN gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong công tác phát triển công nghiệp, đến nay tỉnh đã thành lập được 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 234,9ha, trong đó 3 cụm công nghiệp đầu tư từ nguồn ngân sách và 4 cụm công nghiệp đầu tư từ nguồn vốn khác.
Hoạt động xuất, nhập khẩu có nhiều thuận lợi
Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh nhìn chung diễn ra ổn định, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,6 tỷ đồng, tăng 10,17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 67,46% kế hoạch năm 2024.
Trong khi đó, hoạt động xuất, nhập khẩu có nhiều thuận lợi, lượng hàng hóa xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 23,106 triệu USD, tăng 75,17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75,02% kế hoạch năm 2024.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, gồm: Kẽm sulphat, chì chưa gia công, đũa gỗ, gỗ ván sàn công nghiệp nhiều lớp... Chiều ngược lại, Bắc Kạn nhập khẩu các mặt hàng gồm: Nguyên liệu, máy móc, vật tư thiết bị khác...
Tiềm năng lớn để phát triển điện gió, điện sinh khối, thủy điện nhỏ
Cũng tại buổi làm việc, báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương về tình hình triển khai các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, nguồn năng lượng tỉnh Bắc Kạn chủ yếu là điện lưới quốc gia, thủy điện nhỏ đang được khai thác, sử dụng.
Hệ thống lưới điện tỉnh Bắc Kạn được cung cấp từ lưới điện quốc gia, từ trạm biến áp 220kV Bắc Kạn với tổng dung lượng là 375MW. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 115MW và 5 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất là 21,6MW. Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đang thực hiện các bước đầu tư nâng công suất trạm biến áp 110kV Bắc Kạn (từ 65MVA lên 80MVA) và trạm biến áp 110kV Thanh Bình công suất 25MVA (Cấp điện cho KCN Thanh Bình), dự kiến đưa vào vận hành năm 2025.
Hiện, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%, “tuy nhiên, vẫn còn khoảng hơn 3.000 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia thuộc các thôn, bản vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn” - lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn thông tin và cho biết, tỉnh đang nỗ lực cao nhất để đảm bảo 100% người dân được sử dụng điện lưới.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 (Quy hoạch điện VIII), theo đó tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng về các dạng năng lượng như điện gió, điện sinh khối và thủy điện nhỏ...
Về khoáng sản, cũng theo lãnh đạo tỉnh, Bắc Kạn được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản. Theo kết quả công tác điều tra địa chất, tỉnh Bắc Kạn có 273 mỏ và điểm khoáng sản, điểm khoáng hóa thuộc 24 loại khoáng sản (trong đó, tiềm năng về khoáng sản kim loại là khá triển vọng, đặc biệt là quặng chì, kẽm có trữ lượng lớn nhất cả nước; ngoài ra, còn các loại khoáng sản khác có giá trị cao, như: Sắt, thạch anh, vàng,…). Bắc Kạn là tỉnh có xuất phát điểm thấp về công nghiệp nên ngành công nghiệp khai khoáng có vai trò rất quan trọng, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp khác của địa phương.
Vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, định hướng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, đồng thời được sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch chế biến sâu gắn với khai thác khoáng sản đã góp phần quan trọng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng khoáng sản của địa phương.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
Để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại năm 2024, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Tiếp tục tập trung thực hiện 4 chương trình trọng tâm của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII theo các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh hoàn thiện các quy hoạch có liên quan.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 của ngành Công Thương tại Quyết định số 2418/QĐ-UBND ngày 22/12/2023 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024; Kế hoạch thực hiện kịch bản tăng trưởng ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024.
Song song với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy công nghiệp lớn sớm đi vào hoạt động. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác bình ổn giá và công tác dự báo tình hình thị trường kịp thời, sát thực tế thị trường; theo dõi diễn biến tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu nhằm làm cho thị trường phát triển lành mạnh.
Cuối cùng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, hình ảnh về buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn...
Trước đó, trong sáng 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh và làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (tỉnh Thái Nguyên) về tình hình sản xuất, kinh doanh.