Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không soạn văn mẫu bởi 'đó là cầm tù tinh thần và tình cảm' học sinh

Để loại bỏ được hoàn toàn việc sử dụng văn mẫu cần sự phối hợp từ học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội về sự chủ động, sáng tạo và bỏ hết những tư duy về chỉ tiêu thành tích, điểm số. Phải như vậy thì cuộc đấu tranh để văn mẫu không tồn tại trong hệ thống giáo dục mới có hiệu quả.

Đây là tiết học văn của cô và trò lớp 10D trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Năm nay, chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai ở khối lớp 10. Môn ngữ văn cũng đã có những thay đổi cho phù hợp với đối tượng học sinh và yêu cầu của chương trình.

Em PHAN MINH CHÂU, học sinh lớp 10:“Cháu mong muốn tiết học văn được trực tiếp trải nghiệm bốn kỹ năng nghe nói đọc viết nhiều kiểu văn bản khác nhau. Tiết dạy văn của cô Trang bọn cháu được giao cho những nhiệm vụ buộc phải suy nghĩ và tư duy cũng như là thảo luận và thuyết trình nhiều hơn.”

Em NGUYỄN TUẤN KHÔI: “Cô giáo chúng cháu tiếp thu được rất tốt, tiếp thu khá nhanh. Cháu mong muốn giờ văn sẽ có những nhiệm vụ học tập gắn liền với cuộc sống nhiều hơn để có thể sau này ra ngoài cuộc sống có kiến thức kỹ năng những kỹ năng giao tiếp tốt hơn để trao đổi về công việc làm việc nhóm giúp ích cho công việc của mình sau này.”

Nhằm tạo được sức cuốn hút cho mỗi tiết dạy, ngoài các buổi tập huấn và sinh hoạt chuyên môn, cô giáo Mai Trang đã dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu cách tổ chức dạy học để học sinh có thể được trải nghiệm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Cô giáo MAI TRANG, Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội: “Trong mỗi giờ học thay vì đặt những câu hỏi mang tính chất đóng cho học sinh thì giáo viên có thể đặt những câu hỏi mở khơi gợi cảm xúc khơi gợi những suy nghĩ riêng của học trò. Các nhiệm vụ học tập đưa ra thì cần gắn liền với thực tế đời sống thậm chí là gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai.”

Đổi mới dạy học môn Ngữ văn là yêu cầu cần thiết, giúp thoát khỏi tình trạng sáo mòn, áp đặt trong dạy học và quẩn quanh trong thi cử. Đây cũng là yêu cầu mang tính bắt buộc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:“Dạy phát triển tư duy hình tượng. Lấy Văn học để phát triển các loại cảm xúc, các cung bậc cảm xúc. Lấy phát triển của Văn học làm rộng mở trí tượng tưởng. Không hoàn thành mấy điều đó, với tư cách là một loại hình nghệ thuật, trong giáo dục Văn học ta đã không hoàn thành được (mục đích). Kẻ thù cần quét sạch là các loại xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Các thầy cô đừng soạn bài mẫu cho các em, đó là cầm tù tinh thần và tình cảm và như thế ta sẽ rất có lỗi.”

Để loại bỏ văn mẫu trong việc dạy, học môn Ngữ văn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, chính các giáo viên phải chủ động, sáng tạo, bỏ những suy nghĩ thu động về văn mẫu, giáo án “mua”, sao chép lại giáo án mẫu.

Cô giáo HÀ LIÊN, trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội: “Các hoạt động trao đổi chuyên môn với chúng tôi rất quan trọng. Chúng tôi chia sẻ với nhau không chỉ là nội dung của bài dạy như thế nào mà hơn cả đó là cách thức tổ chức dạy học làm sao cho đáp ứng được nhu cầu mới”

Thầy BÙI MINH ĐỨC, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội 2: “Cần dạy cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói, nghe. Các bài học, ngữ liệu trong SGK là công cụ, là phương tiện để dạy học sinh biết cách đọc, viết, nói, nghe…trong 4 kỹ năng thì hiện kỹ năng đọc hiểu cần quan tâm nhất.”

Ngữ văn là môn học giúp các em hoàn thiện hơn những kiến thức xã hội trong cuộc sống, biết điều hay lẽ phải, biết giao tiếp, ứng xử. Vì thế, nếu giáo viên biết cách dạy, định hướng tốt, phụ huynh không quá quan trọng điểm số, học sinh sẽ học tốt mà không cần văn mẫu.

Thực hiện : Phan Hằng Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-khong-soan-van-mau-boi-do-la-cam-tu-tinh-than-va-tinh-cam-hoc-sinh