BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NGUYỄN VĂN THỂ LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NÊU

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 03/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã tập trung làm rõ một số vấn đề như: giao thông đô thị, những vướng mắc trong thực hiện một số tuyến đường sắt đô thị, giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2020 công tác xây dựng cơ bản có thể nói đạt kết quả rất tốt, tốt nhất trong 5 năm của nhiệm kỳ này. Ngành Giao thông vận tải được bố trí gần 40.000 tỷ đồng thì đến 30/10/2020 đã giải ngân được hơn 29.000 tỷ đồng (chiếm 73,3%), cao hơn tỷ lệ chung của cả nước khoảng 10%. Kết quả này là nhờ Chính phủ vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, các địa phương cũng quyết liệt giải phóng mặt bằng giúp cho ngành Giao thông triển khai các dự án. Kết quả của năm 2020 là bài học kinh nghiệm quý báu để năm 2021 và các năm sau thực hiện tốt hơn.

Về vấn đề xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là loại hình giao thông vận tải hiện đại, được nhiều nước lựa chọn để giải quyết vấn đề chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn có hiệu quả. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai đầu tư nhiều dự án tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt vấn đề chậm tiến độ. Chính phủ đã chỉ đạo, họp rất nhiều; các thành phố cùng với Bộ Giao thông vận tải cũng đã họp về các dự án hiện nay. Thực tiễn qua thực hiện các dự án cũng đã giúp cho ngành Giao thông vận tải và Bộ ngành hữu quan, các địa phương rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc liên quan đến vấn đề quy hoạch để đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Bài học trong quá trình chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm để lựa chọn được những công nghệ, những nhà thầu tốt và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt với những dự án EPC, những dự án chúng ta cần phải giải phóng mặt bằng sạch, có những giải pháp rõ ràng để từ đó xác định giá trị và tránh tình trạng phải điều chỉnh giá".

Các đại biểu Quốc hội họp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Với những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể bày tỏ xin tiếp thu và hứa sẽ phối hợp các thành phố lớn, tham mưu với Chính phủ tốt hơn để các dự án mới sẽ tránh được tình trạng bất cập như trong thời gian qua. Vì đây là hướng đột phá để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các thành phố lớn. Việc này cũng cần có sự ủng hộ của Chính phủ, Quốc hội để làm sao bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn, tốt hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đề cập vấn đề giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay Bộ đang cho nghiên cứu 7 tuyến đường cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó sẽ lựa chọn tuyến, khu vực quan trọng để triển khai. Hết nhiệm kỳ tới, dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm hơn 300 km đường cao tốc, tức là phải đầu tư thêm khoảng hơn 200 km, gồm có tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành năm 2022 và cầu Mỹ Thuận hoàn thành vào năm 2023.

Bộ Giao thông vận tải sẽ nâng cấp đoạn Cao Lãnh - Vàm Cống và Vàm Cống ra Rạch Sỏi là khoảng 75 km; làm Quốc lộ 30 từ Cao Lãnh ra An Hữu để kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Đặc biệt là đường cao tốc từ thành phố Cần Thơ đến thành phố Cà Mau nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cũng thấy rằng, không xây dựng đường cao tốc thì vấn đề thu hút đầu tư phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã xây dựng một kế hoạch rất cụ thể, rất mong là các đại biểu Quốc hội ủng hộ để làm sao chúng ta hình thành nên hệ thống giao thông vận tải ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; để đánh thức tiềm năng và phát huy được thế mạnh của khu vực này có thể phát triển tốt hơn trong thời gian sắp tới./.

Bích Lan-Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49629