Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư: Chính phủ duyệt chi thêm 2 tỷ USD đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng đồng ý chi thêm 2 tỷ USD đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Khó khăn về nguồn vốn phát triển kinh tế
Theo Nhân dân, dù đã được cải thiện so với trước, hiện hệ thống đường nông thôn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa theo kịp mức độ phát triển, tiền lực vùng kinh tế sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, chưa phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn với quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là tại các khu vùng sâu, vùng xa. Đường nông thôn tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nhiều đoạn chỉ có 1 làn xe, chưa thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Theo thống kê, hiện Cà Mau có 82 xã, đang phấn đấu có ít nhất 50% xã đủ điều kiện về xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2020. Dù vậy, theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, hiện việc thực hiện lộ trình xây dựng huyện NTM còn gặp khó khăn trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có tuyến giao thông nông thôn.
Chẳng hạn, xã Tân Phú được huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) chọn là xã điểm xây dựng NTM, dù vậy đến cuối năm 2019 vẫn còn vài tiêu chí chưa đạt. Xã cần xây dựng và nâng cấp thêm 8 tuyết đường giao thông, kinh phí lên tới hơn 46 tỷ đồng - đây là khoản kinh phí quá lớn với xã.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng nhận định, một trong những trở ngại của huyện Thới Bình nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung về việc xây dựng NTM là tiêu chí về giao thông. Hiện còn nhiều người dân sống phân tán dọc theo hệ thống kênh rạch, đây lại là vùng đất nền yếu, cầu phải thêm chi phí đầu tư.
Sẽ duyệt thêm 2 tỷ đầu tư
Sáng 9/11 trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Thủ tướng đã đồng ý chi thêm khoảng 2 tỷ USD cho đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) được giao 04 nhiệm vụ bao gồm rà soát, xây dựng cơ chế điều phối vùng; lập quy hoạch vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; xây dựng danh mục dự án đầu tư quan trọng và bố trí nguồn lực thực hiện.
Cụ thể, khi được đại biểu quốc hội hỏi về nguồn lực phát triển khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng nhận định trong thời gian sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thành các tuyến quốc lộ, cao tốc nối các tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025. Nguồn lực thứ hai phát triển khu vực ĐBSCL là địa phương, là nguồn lực Trung ương đã phương đã phân bổ cho địa phương cùng ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng. Nguồn lực thứ ba là nguồn lực Trung ương, mới đây Chính phủ đã đồng ý duyệt thêm 2 tỷ USD cho khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.
Ông Dũng phát biểu, vào giai đoạn 2021-2025 sắp tới, Bộ KHĐT sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương là 1,05 tỷ USD thông qua các nhà tài trợ nhằm tập trung thực hiện toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này. Bộ trưởng cũng cho hay Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng, dự án này sẽ được thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Theo Bộ trưởng: "Mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh mà có tính liên vùng để phát triển trong thời gian tới". Một nguồn lực khác được nhắc tới là các hợp đồng từ đối tác công tư, nguồn xã hội hóa.
Cũng trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng trả lời thêm các câu hỏi về đầu tư kè biên giới và việc xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Về các công trình biến đổi khí hậu, đặc biệt là các tuyến đê xung yếu, Chính phủ, Thủ tướng đã hết sức quan tâm, sử dụng nguồn dự phòng, tăng thu, vượt thu, kết dư… để thực hiện. Thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, hiện nay đã tổng hợp 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu, các địa phương đang triển khai. Về kè biên giới, nước ta có rất nhiều kè phải đầu tư, nhưng hiện mới chỉ tập trung xử lý các công trình cấp bách. Thời gian tới, Bộ sẽ cùng các bộ ngành xây dựng chương trình tổng thể để đầu tư căn cơ, bài bản, lâu dài cho vấn đề này.