Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Đà Nẵng về công nghệ, chuyển đối số

Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng và nhiều doanh nghiệp công nghệ đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ có chính sách ưu đãi trong hỗ trợ đầu tư trong công nghệ block chain, dữ liệu, bản sao số…

Loạt kiến nghị của Đà Nẵng

Tại TP. Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với TP. Đà Nẵng về triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ với TP. Đà Nẵng.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ với TP. Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW tại TP. Đà Nẵng và một số đề xuất, kiến nghị.

Về đầu tư cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, HĐND TP. Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 6/4/2025, phê duyệt danh mục 66 dự án về lĩnh vực này. Năm 2025, TP. Đà Nẵng có 5 dự án hạ tầng về khoa học công nghệ triển khai với tổng mức đầu tư là 845 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP. Đà Nẵng chuẩn bị đầu tư 61 dự án trong giai đoạn 2026 - 2030 với tổng mức đầu tư 1.503 tỷ đồng; tỷ lệ tổng chi phát triển cho lĩnh vực khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, so với tổng chi ngân sách địa phương là 9,2%...

Ông Bửu cũng thông tin 10 đề xuất, kiến nghị của UBND TP. Đà Nẵng với Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 57.

Bao gồm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; sớm thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng Công viên Khoa học Quảng Đà, Trung tâm dữ liệu quy mô cấp vùng tại Đà Nẵng và Tuyến cáp quang biển cập bờ tại Đà Nẵng kết nối Trung tâm dữ liệu quy mô cấp vùng tại Đà Nẵng.

TP. Đà Nẵng đề xuất thống nhất cho phép đặt 1 trạm mặt đất vệ tinh tầm thấp tại Thành phố; tiếp tục hỗ trợ thành phố đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), đầu tư trung tâm dữ liệu, hạ tầng cáp quang biển quốc tế, hạ tầng viễn thông phủ sóng 5G, ứng dụng quản lý Khu Thương mại tự do và Trung tâm Tài chính thông minh.

TP. Đà Nẵng cũng đề xuất 3 sáng kiến của Thành phố về xây dựng Bản sao số TP. Đà Nẵng, Cảng thông minh Liên Chiểu, Khu Thương mại tự do thông minh Đà Nẵng vào Danh mục các sáng kiến đột phá.

Kiến nghị về ban hành khung hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá liên quan đến xây dựng thành phố thông minh; Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục kiến nghị Quốc hội cho phép mở rộng đối tượng, xây dựng chính sách visa khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, thành viên sáng lập dự án khởi nghiệp quốc tế, visa cho cộng đồng du mục số để thu hút các tài năng quốc tế đến Việt Nam sinh sống và làm việc; hỗ trợ thành phố triển khai hành chính công 1 cấp và hành chính công chủ động…

Đầu tư vào dữ liệu, blockchain

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, cho biết, thành phố hiện có 3 nền tảng tạo điều kiện bước đầu phát triển Nghị quyết số 57 một các hiệu quả bao gồm thành công việc đầu tư công để đầu tư Khu công viên công nghệ phần mềm số 2 để doanh nghiệp thuê; đầu tư hạ tầng để phát triển khoa học công nghệ thông tin với 4 khu công nghệ thông tin tập trung; thu hút được nguồn lực chất lượng cao về cntt, bán dẫn, AI… với nhiều trường đại học đào tạo nhân lực cho phát triển khoa học công nghệ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc.

Trong bối cảnh mới, TP. Đà Nẵng định hướng phát triển theo chiến lược với 3 trung tâm (Trung tâm khoa học đổi mới sáng tạo quốc gia, Trung tâm chuyển đổi số tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, Trung tâm về tài chính quốc tế), đồng thời xây dựng 8 chương trình hành động.

TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển thành phố thông minh, với 3 yếu tố trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Bí thư Nguyễn Văn Quảng cũng thông tin, bổ sung thêm về một số đề xuất của TP. Đà Nẵng.

Theo đó, về thành phố thông minh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Thành phố Đà Nẵng đã triển khai và đạt được nhiều thành tựu về thành phố thông minh. Tuy nhiên theo yêu cầu Nghị quyết số 57, TP. Đà Nẵng mong muốn phát triển thành phố thông minh lên một tầm cao mới, nên đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ ban hành 1 khung về 1 kiến trúc về đô thị thông minh.

Ngoài ra, hiện nay, dữ liệu đang trở thành một trong những lực lượng sản xuất mới. Tuy nhiên, hiện nay trong Luật Dữ liệu năm 2024 mới xác định dữ liệu là tài nguyên, chưa xác định là tài sản.

Do đó, ông Quảng nhấn mạnh cần sửa đổi cách tiếp cận bởi khi nào coi đó là tài sản mới xác lập quan hệ sở hữu và xây dựng nó trở thành tài sản có giá trị được. Coi dữ liệu là 1 tài sản và 1 nguyên liệu sản xuất quan trọng, là đầu vào cho quá trình sản xuất nhất là phát triển và công nghệ số.

“Chúng tôi sẵn sàng xây dựng trở thành trung tâm dữ liệu lớn của cả nước và quốc tế”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng có kiến nghị liên quan đến đầu tư vào blockchain, bản sao số…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng, Đà Nẵng phát triển công nghệ cao không nên theo hướng công nghiệp truyền thống, mà nên tập trung vào công nghệ lõi, thiết kế, trí tuệ nhân tạo, blockchain, và quản trị thông minh.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn công nghệ CMC cho biết đang xúc tiến đầu tư một trạm cập bờ và trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại TP. Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch điều hành Tập đoàn công nghệ CMC cho biết đang xúc tiến đầu tư một trạm cập bờ và trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại TP. Đà Nẵng.

Đặc biệt, Đà Nẵng hoàn toàn có thể là thành phố đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng toàn diện blockchain vào quản lý và vận hành đô thị.

Với việc được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng Trung tâm tài chính quốc gia, Đà Nẵng cần xác định được lợi thế khác biệt của mình - đó là tài chính số. Dữ liệu cần được xem là tài sản, là tư liệu sản xuất của đô thị số, là nền tảng để hình thành một trung tâm tài chính hiện đại dựa trên công nghệ.

Theo đại diện Tập đoàn công nghệ CMC, doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư một trạm cập bờ và trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Đà Nẵng. Dự án có thể trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam nếu được thành phố chấp thuận địa điểm. Theo ông Chính, hạ tầng dữ liệu và kết nối quốc tế là điều kiện tiên quyết nếu Đà Nẵng muốn trở thành Digital Hub của khu vực.

Ông Chính kiến nghị TP. Đà Nẵng ưu tiên phát triển các nền tảng hạ tầng số, công nghệ AI, blockchain, dữ liệu lớn và các dịch vụ tài chính số. Đó là con đường khác biệt, phù hợp với tiềm năng, vị trí địa lý và nguồn nhân lực chất lượng cao mà Đà Nẵng đang sở hữu. “CMC luôn sẵn sàng đồng hành cùng thành phố trong vai trò là đối tác chiến lược để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đột phá, đưa Đà Nẵng trở thành một đô thị thông minh hàng đầu châu Á”, Chủ tịch điều hành Tập đoàn công nghệ CMC nói

Trong khi đó, TS. Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa, kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, bày tỏ sự đồng tình với định hướng phát triển đô thị số của thành phố.

Ông Sơn cho rằng, bản sao số là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các đô thị đang phát triển, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng. Theo ông, nếu có thể thiết lập được một hệ thống nhiều lớp dữ liệu – từ tài nguyên, giao thông, kinh tế, khí thải CO₂ cho đến dữ liệu blockchain - thì mới có thể xây dựng một hệ thống bản sao số đúng nghĩa, góp phần nâng cao năng lực quản trị đô thị.

Trong thời gian qua, Tập đoàn Phenikaa đã hợp tác chặt chẽ với thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Trên cơ sở đó, đơn vị này đang tập trung nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi có thể ứng dụng vào thực tiễn của thành phố, như xe tự hành, trí tuệ nhân tạo (AI), cùng nhiều nền tảng công nghệ số khác. Ông Sơn cho biết, để kiểm chứng khả năng thương mại hóa, các sản phẩm nghiên cứu của Phenikaa đã được thử nghiệm trực tiếp tại nhà máy và đạt hiệu quả thực tế, có thể đưa vào sử dụng ngay.

Từ thực tiễn đó, TS. Lê Anh Sơn đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ, chính quyền thành phố Đà Nẵng cùng các cơ quan chức năng sớm có cơ chế đặt hàng, thử nghiệm sản phẩm trong các khu vực công cộng.

Với đề xuất của Tập đoàn Phenikaa, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sau khi trao đổi đã chốt chủ trương sẽ thí nghiệm tại phường Hải Châu về Bản sao số. Về kinh phí, Bộ Khoa học và Công nghệ, TP. Đà Nẵng và Tập đoàn Phenikaa cùng chia sẻ.

Nguyễn Toàn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-truong-bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-lam-viec-voi-da-nang-ve-cong-nghe-chuyen-doi-so-d342871.html