Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Lao động kỹ năng còn thấp, số có bằng cấp, chứng chỉ nghề chỉ 26,4%

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển.

Sáng 6/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm nội dung thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ngay từ đầu phiên chất vấn, các nữ đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, đặt câu hỏi chất vấn tập trung vào các vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Đặc biệt là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực; chính sách để thu hút học sinh khá giỏi vào giáo dục nghề nghiệp…

Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?

Giải đáp với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt.

Giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội.

Về thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên 51,4 triệu người. Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô và triển vọng phát triển trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời trước Quốc hội

Tuy nhiên, lao động có kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển.

Về tình trạng thiếu việc làm, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I/2023 là 2,25 %. Nguyên nhân của tình trạng này do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách cho lao động.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Trên thực tiễn việc đào tạo có chứng chỉ mới là một nội dung, quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của người lao động. Bộ trưởng cũng tán thành với quan điểm của đại biểu và cần có một cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về vấn đề này, cần có công cụ, tiêu chí đánh giá để xác định về chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn công nhận chứng chỉ, bằng cấp trong gian tới.

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, trong đó điều quan trọng nhất là có sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học; ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông. Từ định hướng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này.

Mạng lưới đào tạo nghề còn nhiều bất cập

Tiếp tục chất vấn về giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk; Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu câu hỏi với Bộ trưởng về giải pháp gì để nâng tỉ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn; giải pháp chấn chỉnh tình trạng chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo…

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đào tạo nghề đã có nhiều bước tiến. Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về vấn đề này, trong đó có báo cáo, đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo, từ đó cho thấy bên cạnh những bước tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.

Các đại biểu tại phiên chất vấn

Các đại biểu tại phiên chất vấn

Hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.

Tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, các trường nghề về bản đang thực hiện theo tinh thần, việc đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bo-truong-bo-ld-tbxh-lao-dong-ky-nang-con-thap-so-co-bang-cap-chung-chi-nghe-chi-264-20230606093051762.htm