Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Sáng 25-7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2025 của ngành Nội vụ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hiền Thu

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hiền Thu

41.031 người nhận trợ cấp nghỉ việc sau sắp xếp

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, ngành Nội vụ đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, đảm bảo đồng bộ với quy định của Đảng.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính (ĐVHC) và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được thực hiện bài bản, cơ bản đồng bộ. Cải cách công vụ, công chức và cải cách hành chính (CCHC) được đẩy mạnh, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hiền Thu

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hiền Thu

Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện Nghị định số 150/2025/NĐ-CP, các địa phương đã giảm 713 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và thành lập các phòng thuộc UBND cấp xã theo quy định.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp ĐVHC được các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương quan tâm, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng để giải quyết theo quy định. Tính đến nay, tổng số người có quyết định nghỉ việc là 85.447 người; số đã nghỉ việc là 77.278 người (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); số người đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí là 20.417 người; số người đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí là 53.831 người (trong đó, 41.031 người đã được nhận tiền, chiếm tỷ lệ 76,22%).

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đã tập trung thẩm định, hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng từng đề án để trình Chính phủ thông qua trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 1 Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, 34 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp xã tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV để thành lập 34 tỉnh, thành phố (6 thành phố, 28 tỉnh) và có 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu), giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã (đạt tỷ lệ giảm 66,91%). Bộ cũng đã tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn bảo đảm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đi vào ổn định, hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực người có công, công tác thanh niên, bình đẳng giới, phi chính phủ, pháp chế, lao động ngoài nước, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…, đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp chung vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm của Bộ, ngành Nội vụ.

Tại hội nghị, đại diện một số Sở Nội vụ đã tham luận về tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Trung

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Trung

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho biết, sau gần 1 tháng vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại thành phố Hà Nội, bộ máy chính quyền được vận hành thông suốt, các dịch vụ công phục vụ người dân được duy trì ổn định, hiệu quả; không phát sinh các tình huống đặc biệt; tâm lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ổn định…

Hà Nội đã thực hiện sắp xếp 526 ĐVHC cấp xã để hình thành 126 ĐVHC cấp xã mới (75 xã, 51 phường), giảm 400 đơn vị (đạt tỷ lệ giảm 76,04%). Đây chính là kết quả của việc kết hợp giữa nguyên tắc chung và xét đến yếu tố đặc thù, yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Liễu cũng nêu một số khó khăn, bất cập cần tháo gỡ kịp thời. Điển hình như hiện nay, nhiều phòng chuyên môn của xã, phường của Hà Nội có khối lượng công việc rất lớn, quá tải, nhất là Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phụ trách cả lĩnh vực tài chính - kế hoạch; xây dựng và công thương; nông nghiệp và môi trường dẫn đến quá tải, áp lực cho Trưởng phòng và công chức thực thi nhiệm vụ, Sở Nội vụ đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu cho phép Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đặc thù, có quy mô lớn được thành lập thêm 1 phòng chuyên môn tại cấp xã, vừa giảm áp lực cho địa phương vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển…

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, ngành Nội vụ vinh dự đã góp phần tạo dấu mốc đặc biệt có ý nghĩa tầm vóc lịch sử và thời đại của dân tộc. Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là việc chưa có tiền lệ, nên những khó khăn, vướng mắc và những bất cập ban đầu trong 1 tháng qua là điều tất yếu; tuy nhiên, cần nhận diện được và tập trung tháo gỡ để đạt mục tiêu chính quyền địa phương 2 cấp gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn, đúng mục tiêu “tinh gọn - hiệu năng - hiệu quả”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hiền Thu

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hiền Thu

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước mắt, ngành Nội vụ chú trọng tham mưu tạm thời tăng cường bổ sung cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những chuyên ngành sâu cho cấp xã; đánh giá cán bộ, công chức công khai, dân chủ, chính xác để khẩn trương cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với thực hiện chính sách hiện có, lưu ý cần giữ chân cán bộ có năng lực. Đồng thời, quan tâm, động viên cán bộ, công chức, viên chức khi di chuyển đến địa điểm công tác mới và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp xã.

Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý các Sở Nội vụ rà soát các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất để Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ tìm giải pháp tháo gỡ. Bộ Nội vụ có nhóm “Phản ứng nhanh” sẵn sàng chia sẻ, đồng hành với các địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy, ĐVHC, nhất là tham mưu giải quyết các vấn đề về tài sản công, nhà ở công vụ, trụ sở…

Bộ trưởng cũng lưu ý ưu tiên tập trung cho Trung tâm Phục vụ hành chính công - mô hình điển hình sinh động về sự phục vụ hướng đến sự hài lòng của người dân. Trong đó, cần bố trí đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc để thực hiện nhiệm vụ này.

Hiền Thu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bo-truong-bo-noi-vu-tap-trung-xay-dung-doi-ngu-can-bo-cap-xa-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-710372.html