Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời về việc sắp xếp cán bộ dôi dư

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang rà soát lại các chính sách có liên quan, để xây dựng một bộ chính sách tốt hơn nhằm giải quyết sắp xếp số cán bộ dôi dư.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thứ hai, đồng thời tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 - lĩnh vực Nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp nêu hai vấn đề: Thứ nhất, trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong thời gian qua các địa phương đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, không chuyên trách dôi dư, tài sản, trụ sở còn nhiều vướng mắc, đến nay có nơi chưa thực hiện xong.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp sắp tới vì chuẩn bị thực hiện sắp xếp giai đoạn 2, dự kiến dự báo sẽ khó khăn hơn?

Thứ hai, thời gian qua, không ít cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Với tư cách là tư lệnh ngành, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý cán bộ thuộc thẩm quyền về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhận xét vấn đề này ra sao và cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Trả lời đại biểu đoàn Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, chúng ta đã rất thành công trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trong giai đoạn vừa qua. Chúng ta đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, chúng ta đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là một thành công rất lớn.

Cùng với việc này, chúng ta đã giảm được 429 cơ quan cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã, và giảm 706 cán bộ công chức cấp huyện và 9.705 cán bộ công chức cấp xã, đồng thời chúng ta cũng đã giảm chi ngân sách trên 2.000 tỷ đồng.

"Theo đó, kết quả đạt được rất lớn, mà cả hệ thống chính trị của chúng ta phải ghi nhận" - Bộ trưởng nói, đồng thời nêu, bên cạnh đó, thực tế cũng phát sinh một số vấn đề. Thứ nhất, là cán bộ dôi dư. Thứ hai, trụ sở một số nơi chúng ta vẫn còn để lãng phí, chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, theo nghị quyết 653 của Ban Thường vụ Quốc hội, thì đối với cán bộ dôi dư từ nay cho đến hết 2025, chúng ta sẽ phải sắp xếp xong. Hiện nay, số cán bộ dôi dư ở cấp huyện chúng ta còn khoảng 48%.

Khi xây dựng đề án này, tất cả các địa phương trong 45 địa phương nằm trong diện sắp xếp đều cố gắng xây dựng phương án sắp xếp cái dôi dư. Hiện nay, đến thời điểm này chưa phải là thời điểm gọi là “mốc” để kết thúc việc sắp xếp dôi dư, đến hết 2025, chúng ta mới kết thúc việc này. Chúng tôi rất mong các địa phương trên cơ sở đề án đã có của mình, để chúng ta tập trung sắp xếp.

Cùng với việc sắp xếp dôi dư này, hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng đang rà soát lại các chính sách có liên quan… để trên cơ sở đó chúng ta xây dựng một bộ chính sách tốt hơn nhằm giải quyết sắp xếp số cán bộ công chức viên chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nói chung.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Mặc dù vừa qua, chính sách này đã có nhưng chưa đồng bộ. Nhiều địa phương, với thẩm quyền của mình đã có thêm những chính sách để hỗ trợ cho việc sắp xếp dôi dư này. Chúng tôi rất khuyến khích tinh thần đó. Tới đây, khi xây dựng Nghị định, Bộ Nội vụ sẽ làm rõ hơn về phần của Trung ương, về phía địa phương cũng cố gắng, quan tâm, để có thêm những cơ chế chính sách đủ mạnh cho việc sắp xếp dôi dư.

Về tài chính, tài sản lãng phí, hiện nay, Bộ Tài chính đã có thông tư số 56 để thực hiện sắp xếp, xử lý tài sản này, theo đó, Bộ mong muốn các địa phương sẽ quan tâm, thực hiện theo đúng tinh thần thông tư 56, để đảm bảo giải quyết gọn, không lãng phí tài sản. Tuy nhiên, thời hạn vẫn còn để chúng ta thực hiện việc này.

Thứ hai, về kỷ luật cán bộ công chức, viên chức trong thời gian vừa qua đã tạo ra những dư luận không tốt, nói cách khác là tạo những dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Nhà nước, chúng tôi cũng xin báo cáo là trong quá trình tổng hợp từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm, chúng ta đã phải xử lý 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, phải xử lý kỷ luật và có trường hợp phải xử lý hình sự.

Và riêng đối với cán bộ Đảng viên công chức, viên chức thì chúng ta đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 và trong số này có cả xử lý về mặt hình sự. Số này tính trên tổng số cán bộ công chức, viên chức chiếm khoảng 1%, cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Từ thực trạng này, chúng tôi thấy làm thế nào để chúng ta vừa phải thực hiện rất nghiêm, theo tinh thần tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ. Chúng tôi nghĩ, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này.

Theo nữa, về phía Bộ Nội vụ, chúng tôi cũng sẽ tham mưu để ban hành một Nghị định về đạo đức công vụ để chúng ta siết chặt lại hơn nữa kỷ cương đạo đức công vụ, để làm sao đảm bảo được đồng bộ giữa các quy định của Đảng và với các quy định của Nhà nước, đồng thời, để thực hiện việc xây dựng một đội ngũ cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức trong sạch, phục vụ nhân dân.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-bo-noi-vu-tra-loi-ve-viec-sap-xep-can-bo-doi-du-225845.html