Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại Thái Bình

Chiều 6/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã về kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại tỉnh Thái Bình.

Theo đó, đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình và đại diện một số cơ quan, đơn vị có liên quan đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, khu neo đậu tàu thuyền tại Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Tại các điểm kiểm tra, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã báo cáo nhanh, khái quát về công tác tổ chức, chuẩn bị, triển khai hàng loạt biện pháp, giải pháp của tỉnh Thái Bình nói chung, huyện Thái Thụy nói riêng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, của do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra. Tỉnh đã ban hành các văn bản, công điện chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại KCN Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy (Ảnh: CTTĐT tỉnh Thái Bình)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại KCN Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy (Ảnh: CTTĐT tỉnh Thái Bình)

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có tổng số 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển. Thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển, đến 17 giờ ngày 6/9, tất cả các phương tiện tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn tại các khu neo đậu trong và ngoài tỉnh, không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm.

Toàn tỉnh hiện có gần 2.900 lao động canh coi tại hơn 2.300 chòi canh ngao, ao, đầm vùng nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà; 681 lồng, bè trên sông, trong đó huyện Hưng Hà nhiều nhất với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ có 213 lồng; 1.129 bè nuôi hàu cửa sông. Các trường hợp này đang được các địa phương tuyên truyền, vận động và khẩn trương di dời vào nơi an toàn, dự kiến hoàn thành việc di dời trước 18 giờ ngày 6/9. Ngoài ra, tỉnh hiện có 7.731 hộ với 18.639 người sống trong nhà yếu, đã được các xã, thị trấn huy động lực lượng hỗ trợ chằng chống và di dời đến nơi an toàn theo quy định.

Về tình hình sản xuất nông nghiệp, đến ngày 6/9, toàn tỉnh gieo cấy 74.327ha lúa mùa; lúa mùa đã trỗ bông khoảng 26.000ha, đạt 35% diện tích lúa mùa đã gieo cấy. Cây màu hè thu đã thu hoạch khoảng 5.000ha, đạt 58% diện tích cây màu hè thu đã trồng. Song song với đó, Thái Bình cũng chủ động trong việc tiêu úng, đề phòng mưa lớn để bảo vệ lúa mùa và hoa màu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Ảnh: CTTĐT tỉnh Thái Bình)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Ảnh: CTTĐT tỉnh Thái Bình)

Tại các điểm kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt các biện pháp ứng phó bão số 3 của tỉnh Thái Bình; đồng thời nhấn mạnh: Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, vì thế đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo ứng phó bão số 3 tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 và Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão ở mức cao nhất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhất là nhân dân về các biện pháp trong phòng chống bão. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, đặt nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão gây ra lên hàng đầu trong công tác ứng phó với bão.

Ông Lê Minh Hoan cũng lưu ý tỉnh Thái Bình cần chủ động, sẵn sàng các phương án tiêu úng, bảo vệ lúa, hoa màu, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản khi có mưa lớn; đồng thời chủ động phương tiện, nhân lực, vật lực và có phương án bảo vệ các điểm đê, kè xung yếu, sẵn sàng huy động xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-kiem-tra-cong-tac-ung-pho-bao-so-3-tai-thai-binh-343903.html