Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nguồn cung xăng dầu đang bị thiếu hụt
Trong Quý 3, nhập khẩu xăng giảm 40%, dầu giảm 35% so với quý trước. Chỉ có 19/33 doanh nghiệp đầu mối nhập nên chúng ta thiếu hụt nguồn cung.
Giải trình trước Quốc hội về điều hành giá xăng dầu vào cuối giờ chiều nay (28/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định nguồn cung xăng, dầu đang bị thiếu hụt.
Theo Bộ trưởng Phớc, nhu cầu xăng, dầu của nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/năm. Thế nhưng, hiện nhà máy lọc dầu Bình Sơn có công suất 6,2 triệu tấn, 9 tháng vừa qua đạt 4,4 triệu tấn, đạt 70% kế hoạch, tức là đạt sản lượng đề ra. Còn nhà máy Nghi Sơn công suất đạt 6,8 triệu tấn, 9 tháng mới đạt 43%, tức vẫn thiếu hụt nguồn cung.
Về nhập khẩu, Bộ trưởng Phớc cho biết, theo kế hoạch là nhập 6,2 triệu tấn, chiếm 32% tổng cầu. Số này phân bổ cho 34 đầu mối. Nhưng 9 tháng mới nhập được 3,97%, tức cũng không đạt kế hoạch.
“Trong Quý 3 nhập khẩu xăng giảm 40%, dầu giảm 35% so với quý trước. Chỉ có 19/33 doanh nghiệp đầu mối nhập nên chúng ta thiếu hụt nguồn cung” – Bộ trưởng Phớc phân tích.
Về phần trách nhiệm Bộ Tài chính, ông Phớc cho biết, cơ quan này đã giảm thuế môi trường xuống 3.000 đồng/lít, tính ra ngân sách “mất” 28.000 tỷ đồng. Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu cũng giảm từ 20% xuống còn 10%.
Tính chi phí vận chuyển và chi phí quản lý, người đứng đầu Bộ Tài chính ước 1 lít xăng RON 92 có tổng chi phí là 1.960 đồng. “Hiện Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến của các số công ty đầu mối và ý kiến của Bộ Công Thương để có thể nâng chi phí định mức nữa hay không, nhưng mới nhận được 6 văn bản của 6 thương nhân đầu mối, tức là chỉ chiếm 8,5% của sản lượng xăng, dầu” – ông Phớc phản ánh.
“Ý kiến của Bộ Công Thương chúng tôi cũng chưa nhận được” – Bộ trưởng Tài chính nói, đồng thời cho biết sắp tới sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 55, giao toàn bộ phần xăng, dầu về cho Bộ Công Thương quản, kể cả phần quyết định về giá, chi phí định mức để đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.
Trước đó, giải trình về việc này, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu ở Việt Nam không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Diên nhận định, hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TPHCM cùng một số tỉnh phía Nam “là điều rất đáng tiếc và bất thường”.
“Tại thời điểm đầu tháng 10, cả nước còn tới 3 triệu m3 xăng, dầu, kể cả dự trữ thương mại sản xuất của các nhà máy trong nước và nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối thì đủ nguồn cung cho đến gần hết tháng 11” - ông Diên thông tin.
“Khó hiểu” trong cung ứng xăng, dầu được nhiều đại biểu đặt ra khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Dẫn thực tế “chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia; hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%”, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) thắc mắc tại sao lại để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở TPHCM và một số tỉnh.
Đại biểu đề nghị làm rõ, việc xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả, cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá để có giải phá căn cơ, lâu dài.
Nhấn mạnh xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia, đại biểu của Điện Biên lưu ý, giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân.
“Giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, có tăng trưởng kinh tế và nhà nước lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế” – bà Yên nhận định, đồng thời cho rằng, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường này là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.