Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về cải cách tiền lương
Tiếp xúc cử tri Bình Định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chính sách cải cách tiền lương sẽ được thực hiện vào thời điểm phù hợp. Khi điều chỉnh chính sách tiền lương, các chính sách chế độ đi kèm cũng sẽ thay đổi.
Ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp xúc cử tri tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Cử tri mong muốn các ứng cử viên khi trúng cử phải “nói đi đôi với làm”, thực hiện lời hứa trước cử tri.
Cử tri tại huyện Tây Sơn đã gửi nhiều ý kiến đến các vị ứng cử viên liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, chế độ chính sách cho đội ngũ khối phố cơ sở, công tác tu bổ các di tích lịch sử trong đó có di tích lịch sử cấp quốc gia là Bảo tàng Quang Trung; cho đến các vấn đề lớn của đất nước, như: đầu tư công, nợ công…
Theo Bộ trưởng, thời gian qua Bộ Tài chính đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, từ đó, kiềm chế nợ công ở mức thấp nhất so với mục tiêu đề ra. Danh mục nợ đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng làm tăng dư địa chính sách tài khóa cho các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tốc độ tăng nợ công giảm; cơ cấu nợ chuyến biến tích cực, tỷ trọng nợ trong nước tăng dần.
“Những dự án không có hiệu quả chắc chắn sẽ không vay. Chỉ thực hiện các dự án đầu tư các công trình hiệu quả, có tính đột phá cao, các dự án liên vùng, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định trước bà con cử tri huyện Tây Sơn.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm thời gian qua, Bộ Tài chính đã linh hoạt trong điều hành, cơ cấu vay trong nước, vay nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn; đẩy mạnh huy động nguồn vốn vay trong nước; kỳ hạn phát hành, thời gian đáo hạn bình quân danh mục trái phiếu chính phủ tăng dần, trong khi lãi suất vay giảm sâu, góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.
Liên quan tới nguồn thực hiện cải cách tiền lương, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 tăng trưởng kinh tế không đạt như mục tiêu đề ra đã ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Thu ngân sách Trung ương năm 2020 đã giảm 95 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng đã ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của các địa phương.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; năm nay ngân sách bố trí hơn 12 nghìn tỷ đồng để mua vắc xin phòng chống dịch.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, khi dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp như hiện nay, sẽ hiện hữu nguy cơ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Do đó, chính sách cải cách tiền lương sẽ được thực hiện vào thời điểm phù hợp.
“Khi điều chỉnh chính sách tiền lương, các chính sách chế độ đi kèm cũng sẽ thay đổi”, Bộ trưởng nói.