Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có sai phạm được khắc phục

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng được tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trước những biến động của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, đặc biệt là phiên giảm điểm sâu ngày 25/4, Bộ Tài chính có những giải pháp gì để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay?

Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng cho nền kinh tế. Với mục tiêu để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và minh bạch, Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thiện thể chế như đề xuất sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 25/4, Bộ Tài chính đã làm việc với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và khẳng định thời gian gần đây có nhiều tin đồn thất thiệt không phải do cơ quan chức năng đưa ra đã khiến thị trường chứng khoán rung lắc, giảm điểm. Đây là điều đáng tiếc.

Chúng tôi đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng tạo điều kiện để khắc phục sai phạm nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và việc làm cho người lao động, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển trở lại.

Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, điều này được thể hiện như thế nào ở thị trường chứng khoán, thưa Bộ trưởng?

Mục đích của các cơ quan nhà nước là đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển triển lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà phát hành hoạt động bình đẳng.

Cuộc làm việc giữa Bộ Tài chính với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an đã bàn về các giải pháp nhằm ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Qua đó, chúng tôi thống nhất sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại hoạt động ổn định, đảm bảo việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường.

Hiện nay, chúng tôi đưa ra các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các quy định có liên quan để các nhà đầu tư khi tham gia có sự lựa chọn, cân nhắc, chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình. Đồng thời, các nhà phát hành phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về vấn đề phát hành, tránh thao túng giá trên thị trường. Đối với các công ty kiểm toán đảm bảo báo cáo kiểm toán đúng và chính xác nhất.

Nói theo cách khác là áp dụng đồng bộ cả biện pháp trực tiếp và gián tiếp. Các công ty kiểm toán trực tiếp kiểm tra công tác kiểm toán của những đơn vị phát hành và cũng kiểm tra lại những công ty kiểm toán đã kiểm toán các doanh nghiệp. Nếu phát hiện sai phạm sẽ rút giấy phép và xử lý các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót.

Chúng tôi cho rằng việc xử lý các vi phạm là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành.

Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ quá trình phát hành cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán. Khi phát hiện những bất cập và rủi ro sẽ tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Thị trường có quy luật của thị trường và phải tuân thủ theo quy luật đó, tuy nhiên nhà đầu tư mong muốn cơ quan quản lý có những công cụ kiểm soát khi thị trường. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Hoạt động trên thị trường chứng khoán phải theo quy luật của thị trường, nhưng cũng phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Quy luật của thị trường là phải có sự quản lý của nhà nước, có bàn tay của nhà nước chứ không thể để thị trường phát triển tự do.

Thị trường chứng khoán và các hoạt động kinh tế thì phải theo quy luật khách quan của thị trường, nhưng chúng ta cũng cần có những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường, chẳng hạn như các vấn đề đi chệch ra khỏi quy định của luật pháp, các hành động lách luật hoặc lợi dụng thị trường để làm méo mó các quy định pháp luật thì phải xử lý một cách nghiêm minh. Việc thị trường tăng giảm là do quy luật của thị trường, tuân theo cung cầu của người mua, người bán. Chúng ta cần tạo ra sân chơi bình đẳng để thị trường hoạt động minh bạch.

Bộ Tài chính sẽ bám sát theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa sai phạm và xử lý sai phạm. Bộ Tài chính sẽ đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, tức là “tiền phòng - hậu kiểm” để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên thị trường chứng khoán một cách bình đẳng, minh bạch và có giá trị đúng đắn nhất. Đây là một trong những mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thùy Dương/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-truong-bo-tai-chinh-tao-dieu-kien-cho-cac-nha-dau-tu-doanh-nghiep-co-sai-pham-duoc-khac-phuc-20220426110839957.htm