Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa và vận chuyển trái phép qua biên giới. TCDN -
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2020.
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, hiện nay tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; mưa bão, lũ lụt liên tiếp ở các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Thu ngân sách đạt thấp, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp so yêu cầu; việc triển khai một số chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 còn chậm. Việc chấp hành kỷ luật tài chính ngân sách có nơi, có lúc còn chưa nghiêm, vẫn còn xảy ra vi phạm chế độ, chính sách về quản lý thu, chi ngân sách, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh đó, Chỉ thị 05/CT-BTC được đưa ra nhằm tổ chức thức hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong những tháng còn lại của năm 2020, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020 đã được cấp có thẩm quyền quyết định; điều hành chủ động, giữ vừng cân đối ngân sách nhà nước trong mọi tình huống, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương hoàn thành các dự án, đề án, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu, chi ngân sách nhà nước, tài chính doanh nghiệp, quản lý nợ công, quản lý sử dụng tài sản công... theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo thời hạn, chất lượng. Đồng thời, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách... trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập, không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020. Trong đó, Bộ trưởng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thuế, phí và lệ phí đã ban hành nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước theo quy định, bao gồm cả các khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2000/NĐ-CP của Chính phủ; các khoản thu từ đất, tài nguyên, khoáng sản, thu từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet, thu từ các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án phát sinh mới...
Tại chỉ thị này, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan,...
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí có được từ cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể lương và các khoản có tính lương) để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước và chi cho mục tiêu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo đúng quy định.