Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Chúng ta còn quá dễ dãi khi bảo vệ dữ liệu cá nhân

Trong phiên trả lời chất vấn ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dữ liệu cá nhân được xem là một tài sản nhưng chúng ta đã khá dễ dãi. Điều này liên quan đến nhận thức và tuyên truyền.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: TTXVN

Trả lời câu hỏi liên quan đến mua bán, thu thập dữ liệu cá nhân, nhất là số điện thoại cá nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân và đã được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin. Mỗi người dân phải bảo vệ tài sản cá nhân mình. Vừa qua chúng ta khá dễ dãi.

Lấy ví dụ về việc bản thân đến một cửa hàng kính nhưng khi cửa hàng hỏi số điện thoại thì Bộ trưởng vẫn cung cấp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, về nguyên tắc đúng là chúng ta phải nhìn hợp đồng mẫu. Chẳng hạn, tôi thu thập thông tin này ông có đồng ý không? Tôi dùng vào việc gì ông có đồng ý không? Thậm chí, khi ra siêu thị chúng ta cũng đưa thông tin cá nhân. Điều này liên quan đến vấn đề nhận thức, tuyên truyền.

Mặt khác, doanh nghiệp thu thập sẽ phải thực hiện đúng pháp luật, nghĩa là có hợp đồng mẫu giữa mình với khách hàng. Khi thu thập nói rõ là dùng vào việc gì không. Vấn đề này chúng ta còn thiếu.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt một chương trình trong năm 2022 là thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông về chuyện thu thập xử lý về đảm bảo an toàn thông tin. Theo Bộ trưởng, đến năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm sang doanh nghiệp bưu chính - nơi thu thập dữ liệu và động đến gần hết người dân. Kể cả mạng xã hội lớn hoạt động trong nước cũng như mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, về hành lang pháp lý thì đến nay Bộ Công An đang hoàn thiện những bước cuối cùng để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Các nước ASEAN cơ bản có Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chúng ta sẽ có Nghị định trước rồi tiến tới Luật. Đặc biệt, vấn đề xử lý mang tính răn đe. Vừa qua, chúng ta tăng mức phạt gấp 2 lần, nhưng cũng chỉ là 60.000 đồng đối với doanh nghiệp vi phạm thông tin cá nhân. Trong khi các quốc gia khác dựa trên doanh thu. Có nước phạt 6%, 10% doanh thu, tương đương mức phạt lên tới 1 tỷ đô la. Các doanh nghiệp họ kinh doanh, họ giàu chủ yếu dựa trên dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2022, có 11 ban liên ngành đi kiểm tra dữ liệu cá nhân và đã chuyển hai vụ việc sang Bộ Công An để xử lý hình sự. Năm 2023, Bộ Thông tin Truyền thông đề xuất Thủ tướng là lấy năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam, để nâng cao nhận thức và làm tốt công việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/bo-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-chung-ta-con-qua-de-dai-khi-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-20221104142352501.htm