Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng: Mỗi địa phương cần có một sản phẩm kinh tế đêm độc đáo riêng

Bộ trưởng cho biết, bộ đã có đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Bộ chỉ mang tính gợi ý, không thể làm thay, mà đây là sự sáng tạo của từng địa phương.

Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC.

Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC.

Sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 ở 3 lĩnh vực: NN-PTNT, công thương, VH-TT-DL.

Phát huy giá trị văn hóa bản địa, từ đó thu hút khách du lịch

Trả lời chất vấn của Đại biểu liên quan đến mối quan hệ giữa du lịch với văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa”. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Hiện nhiều địa phương đã và đang làm tốt việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa bản địa, từ đó thu hút khách du lịch.

Với chất vấn của Đại biểu về kinh tế đêm với thực tế các sản phẩm du lịch đêm hiện nay còn nghèo nàn, đơn điệu hình thức như đi bộ, ẩm thực, bán nhu yếu phẩm… Bộ trưởng cho biết, bộ đã có đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Bộ chỉ mang tính gợi ý, không thể làm thay, mà đây là sự sáng tạo của từng địa phương, để làm sao mỗi địa phương có một sản phẩm kinh tế đêm độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao của mình.

Lễ hội sông nước ở TP.HCM.

Lễ hội sông nước ở TP.HCM.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, phải tập trung nâng cao nhân lực du lịch. Nhân sự quản lý cấp cao ở nhiều điểm lưu trú hiện nay là của nước ngoài, Việt Nam cần sớm chiếm lĩnh điều này để nâng sức cạnh tranh với các nước.

Phát triển du lịch bền vững theo phương châm "lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm"

Trước đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã thừa ủy quyền của Chính phủ gửi báo cáo việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch).

Về quan điểm phát triển, Bộ sẽ chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp của ngành du lịch; tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị phát triển du lịch; gắn phát triển du lịch với phát triển xanh, bền vững theo phương châm "lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm"; gắn việc phát triển du lịch với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Bay dù lượn để tham quan cảnh đẹp là dịch vụ được nhiều du khách yêu thích.

Bay dù lượn để tham quan cảnh đẹp là dịch vụ được nhiều du khách yêu thích.

Đối với nhiệm vụ và giải pháp, Bộ sẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 15/8/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới và một số nội dung trọng tâm, cụ thể là:

Tham mưu phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch trong chỉ đạo điều phối hoạt động, thúc đẩy phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy liên kết vùng để phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc.

Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai Kế hoạch tổng thể điều tra du lịch. Xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam.

Phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng để thu hút và giữ chân du khách; xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp; phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.

Lễ hội Trung thu ở Tuyên Quang có một không hai.

Lễ hội Trung thu ở Tuyên Quang có một không hai.

Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm của Việt Nam.

Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thường xuyên.

N.Nguyệt

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/bo-truong-bo-vhtt-dl-nguyen-van-hung-moi-dia-phuong-can-co-mot-san-pham-kinh-te-dem-doc-dao-rieng-c2a80513.html