Bộ trưởng Bộ VHTT-DL: Vận động viên, diễn viên lương không đủ sống

Vận động viên đội tuyển quốc gia chỉ được hưởng hơn 7 triệu đồng/tháng; viên chức lĩnh vực nghệ thuật đã cống hiến 10 năm nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm xã hội - thông tin này được Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng cung cấp.

Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng

Gửi đến đại biểu Quốc hội (ĐB) báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng nhận định, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao trong thời gian qua đã từng bước đáp ứng yêu cầu đặt ra, góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam.

Việt Nam đã giành được các huy chương vàng tại Olympic và Paralympic; luôn nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu các kỳ SEA Games, 2 lần liên tiếp dẫn đầu bảng tổng sắp tại SEA Games 31, 32. Các môn thể thao Olympic như điền kinh, thể dục, bơi lội, bóng đá, bắn súng, cử tạ, đua thuyền, đấu kiếm được đầu tư và đã giành nhiều thành tích đáng ghi nhận. Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục…

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao còn thấp so với nhu cầu; chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020) dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển quốc gia.

Đặc biệt, chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP (quy định về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu còn thấp): vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng. Tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài.

Tương tự, với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng.

 Chế độ bồi dưỡng biểu diễn cao nhất là 200.000 đồng/buổi, theo quy định hiện hành. Ảnh minh họa

Chế độ bồi dưỡng biểu diễn cao nhất là 200.000 đồng/buổi, theo quy định hiện hành. Ảnh minh họa

Người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25), hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 1 sẽ là 1,86; trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại đối với diễn viên.

Về chế độ bồi dưỡng, từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng vẫn thực hiện theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg (về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn), theo đó, mức thấp nhất là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập; chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi biểu diễn và cao nhất là 200.000 đồng/buổi biểu diễn. Mức này, theo Bộ trưởng, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống, vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-truong-bo-vhtt-dl-van-dong-vien-dien-vien-luong-khong-du-song-post742670.html