Bộ trưởng Bộ Y tế: Thanh Hóa cần tạo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế cho 3,6 triệu dân
Tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm phát triển đồng đều, lan tỏa hệ thống khám chữa bệnh, phấn đấu để một số bệnh viện tuyến huyện tại khu vực vùng núi, vùng cao tương đương bệnh viện tuyến tỉnh, giúp người dân địa phương được tiếp cận công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Bộ Y tế sẽ cùng đồng hành với tỉnh xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm y tế chất lượng của khu vực.
Đây là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Thanh Long- Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về công tác y tế trên địa bàn ngày 20/4.
Cùng tham gia đoàn có GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo các vụ, cục, viện và Văn phòng Bộ Y tế; các bệnh viện đầu ngành của Bộ Y tế.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Chỉ tiêu bác sĩ và giường bệnh/vạn dân vượt mục tiêu đề ra
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trịnh Hữu Hùng- Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh không ghi nhận dịch bệnh lớn xảy ra, đặc biệt Thanh Hóa luôn tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Hiện nay, toàn tỉnh có 13.200 giường bệnh cả công lập và dân lập, đạt tỷ lệ 11 bác sĩ/vạn dân và 36 giường bệnh/vạn dân, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015 và vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Trung bình mỗi năm có trên 100 kỹ thuật mới được áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trong đó nổi bật là đã thực hiện thành công 12 ca ghép thận tại BVĐK tỉnh. Tỷ lệ người bệnh hài lòng về các cơ sở y tế công lập trên địa bàn đạt trên 90%.
Tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng phát triển y tế cơ sở, tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho các trạm y tế thông qua việc đưa bác sĩ luân chuyển về công tác tại tuyến xã. Hiện 95 % trạm y tế có bác sĩ làm việc.
Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cũng cho biết, hiện trên 90% người dân trên địa bàn tham gia BHYT. Tính đến cuối tháng 3/2021, số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT trên toàn tỉnh là trên 1 triệu lượt.
Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ tỉnh một số trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch; hỗ trợ địa phương cải tạo, nâng cấp một số trạm y tế xuống cấp; hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật… để tỉnh Thanh Hóa phát triển các bệnh viện thông minh trên địa bàn.
Các thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế đã giải đáp các vấn đề tỉnh kiến nghị và cho biết luôn phối hợp với địa phương để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo các BV tham gia đoàn công tác gồm BV Bạch Mai, BV Việt Đức và BV ĐH Y Hà Nội đều sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ BVĐK tỉnh cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn khi lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho rằng, Thanh Hóa làm rất tốt việc kết nối khám chữa bệnh từ xa. Hiện BV Đại học Y Hà Nội đã kết nối 15 điểm cầu gồm cả BVĐK tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến huyện như Quảng Xương, Tĩnh Gia… trong đó có những huyện vùng cao, vùng khó khăn như Ngọc Lặc… giúp nhiều ca bệnh khó được các chuyên gia tuyến trên hỗ trợ điều trị ngay tại địa phương. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số huyện như Mường Lát, Quan Sơn… chưa kết nối khám chữa bệnh từ xa được do thiếu trang thiết bị.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tỉnh Thanh Hóa có biện pháp hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện, tiến tới Bộ Y tế sẽ kết nối khám chữa bệnh từ xa đến tận tuyến xã, do đó tỉnh cần sớm kết nối tất cả các điểm cầu tuyến huyện còn lại với các bệnh viện tuyến trên.
Chống dịch tốt nhưng không chủ quan, lơ là
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp các ngành dành cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là chủ trương coi phát triển y tế là 1 trong 5 vấn đề trụ cột của tỉnh.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế… Đây cũng là địa phương đầu tiên của cả nước chữa khỏi bệnh nhân COVID-19 từ đợt 1 và không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, vấn đề an sinh trong đó có y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn cũng luôn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm và tỉnh cần có những kế hoạch, chương trình thực hiện cụ thể để đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ 19 của tỉnh đã đề ra.
Cho rằng trong sự phát triển của ngành y tế, các yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị có thể khắc phục nhanh, nhưng nguồn nhân lực và chất lượng dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng bởi “người dân có được thụ hưởng y tế có chất lượng hay không, dịch vụ kỹ thuật cao hay không thì 2 yếu tố này đóng vai trò quyết định”, theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý tỉnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển ngành y tế trên địa bàn để ngày càng làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trước hết, tỉnh Thanh Hóa không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch COVID-19, chuẩn bị các tình huống cách ly trên diện rộng, khoanh vùng, xét nghiệm, điều trị… để tránh luống cuống dẫn đến “vỡ trận” nếu có dịch xuất hiện trên địa bàn với số lượng bệnh nhân lớn, số người phải cách ly nhiều.
“Chúng ta phòng chống dịch đã rất tốt, nhưng cũng cần chủ động các biện pháp để sẵn sàng ứng phó khi có cách tình huống xảy ra. Chống dịch càng nhanh thì càng làm giảm tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phấn đấu đưa một số bệnh viện tuyến huyện vùng núi, vùng cao thành bệnh viện tương đương tuyến tỉnh
Về sự phát triển chung của ngành y tế tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng do tỉnh có dân số đông (khoảng 3,6 triệu người) nên phải thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực từ y tế dự phòng đến khám chữa bệnh, dược, trang thiết bị, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… Tỉnh cần có quy hoạch tổng thể ngành y tế địa phương đồng bộ, trên cơ sở phù hợp với tinh thần quy hoạch tổng thể ngành y tế cả nước và đúng với tinh thần nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
“Chúng tôi sẽ phối hợp và hỗ trợ để tỉnh thực hiện các mục tiêu đề ra”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xây dựng BVĐK tỉnh Thanh Hóa là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế tại địa phương vào năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng không chỉ đơn thuần tập trung cho riêng BVĐK tỉnh mà ngành y tế Thanh Hóa phải có giải pháp phát triển nhiều bệnh viện, nhiều chuyên ngành bao gồm cả bệnh viện sản, nhi, ung bướu… nhằm tạo nên sự đồng đều trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. “BVĐK tỉnh đi trước, rồi tiếp đến là các bệnh viện tiếp theo”- Bộ trưởng nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý tỉnh cần quan tâm phát triển đồng đều, lan tỏa hệ thống khám chữa bệnh, phấn đấu làm sao để một số bệnh viện tuyến huyện tại khu vực vùng núi, vùng cao tương đương bệnh viện tuyến tỉnh để người dân địa phương được tiếp cận công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Khẳng định quan tâm của ngành y tế hiện nay là ưu tiên cho y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Bộ đang tiến hành nhiều cách làm, nhiều giải pháp về đầu tư, đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực y tế cơ sở đặc biệt ở các vùng khó khăn, trong đó có một số huyện của Thanh Hóa.
Về y tế dự phòng, theo Bộ trưởng địa phương cần có kế hoạch phát triển đồng bộ, xây dựng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) của tỉnh đủ mạnh, có phòng an toàn sinh học cấp độ 3 để đảm bảo an ninh y tế, phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Về vấn đề đào tạo nhân lực, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ phát triển phân hiệu Đại học Y Hà Nội thành ĐHY Hà Nội tại Thanh Hóa
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng cho rằng tỉnh nên có cơ chế chính sách đầu tư riêng biệt cho khu vực y tế công và y tế tư nhân…
“Địa phương nghiên cứu mô hình phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững. Chúng tôi sẽ giao cho một số đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế cùng làm việc cụ thể với tỉnh”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và yêu cầu các cục, vụ, viện chức năng của Bộ Y tế cùng tỉnh trao đổi, tháo gỡ, cùng xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm y tế chất lượng của khu vực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn xác định y tế là một trong những trọng tâm ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, cụ thể hóa vào những chương trình, kế hoạch để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cũng mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ từ đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các cục, vụ, viện của Bộ Y tế, các bệnh viện, trường đại học trực thuộc Bộ Y tế để Thanh Hóa sớm trở thành một trong những trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực.