Bộ trưởng các nước châu Á-Thái Bình Dương cam kết thúc đẩy hợp tác y tế
Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngày 17/9, các bộ trưởng tài chính và y tế của các nền kinh tế thành viên thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nhất trí thúc đẩy hợp tác hướng tới đảm bảo người dân tại các nước đang phát triển được tiếp cận các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ghi nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo bao phủ y tế toàn cầu, hơn 40 bộ trưởng và thứ trưởng đến từ các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã khẳng định sự cần thiết phải có "sự hợp tác mạnh mẽ hơn" tại hội nghị chuyên đề trực tuyến được tổ chức trong khuôn khổ cuộc họp thường niên của ADB. Ngân hàng có trụ sở ở Manila này cũng cho biết các nước tài trợ đã quyết định bổ sung hơn 4 tỷ USD cho Quỹ Phát triển châu Á của ADB, vốn cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho các nền kinh tế đang phát triển. Bên cạnh khoản đóng góp cho quỹ trên, ADB đã quyết định dành 20 tỷ USD để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đang phát triển chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Trong thông điệp bằng video được gửi tới hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso bày tỏ hy vọng ADB sẽ "khám phá ra các nhu cầu hỗ trợ của khu vực" và "đóng vai trò đi đầu" trong việc thúc đẩy việc bao phủ y tế toàn cầu.
ADB, có trụ sở ở Manila, đã lên kế hoạch tổ chức cuộc họp thường niên tại Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 5, song đã buộc phải tổ chức trực tuyến và chia thành hai giai đoạn vào tháng 5 và tháng 9 do đại dịch COVID-19.
Cũng như các khu vực khác trên thế giới, các hoạt động kinh tế và xã hội trên khắp châu Á đã bị hạn chế khi các nước áp đặt các biện pháp chống dịch, như phong tỏa và cấm người dân ra nước ngoài, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu. Theo ADB, GDP tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ giảm 0,7% trong năm 2020, mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1962 khi chỉ số này giảm 0,1%.