Bộ trưởng Công an nêu lý do cần cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu lý do cần cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi để tránh nhiều bất cập nảy sinh.

Sáng 17/3, trong chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 2 dự án Luật căn cước công dân (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Giải trình về những băn khoăn về việc bổ sung cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, nêu rõ, trên thực tế trẻ em có rất nhiều giao dịch.

"Chúng ta kêu gọi Chính phủ điện tử thì các cháu phải được giao dịch. Bây giờ mua sim điện thoại phải có căn cước thì các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không, hay bố mẹ phải đăng ký để các cháu dùng? Trẻ em có được tham gia các hoạt động trên môi trường mạng không? Hoàn toàn được", Bộ trưởng Công an nói.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Đại tướng Tô Lâm nêu thêm dẫn chứng, Bộ Công an phải cung cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo số liệu một xã, một phường có bao nhiêu trẻ em, từ đó tính toán hệ thống đào tạo giáo dục và cư trú. Ông đánh giá việc này vừa qua phục vụ rất tốt cho các kỳ thi, đặc biệt kỳ thi vào lớp 10 hay cả những yêu cầu khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1.

Nhắc đến việc trẻ mới sinh ra phải cấp hộ chiếu ngay theo yêu cầu của quốc tế, Bộ trưởng Công an cho biết, ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh thì trẻ không có giấy tờ nào khác để giao dịch.

"Giờ đi học cũng phải dựa vào khai sinh, đi lại cũng phải giấy khai sinh. Đi máy bay nhiều hành khách nêu lý do con bị mất giấy khai sinh để được lên máy bay hoặc có trường hợp đi mượn giấy khai sinh của một cháu nào đấy tương thích để có được giấy tờ… Giấy khai sinh không chứng minh được người trong giấy khai sinh và người trình giấy khai sinh là một người", Đại tướng Tô Lâm nêu và nhấn mạnh những bất cập này chưa thể giải quyết được.

Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, căn cước công dân làm cho trẻ sẽ không làm theo thời hạn như người lớn, vì có những đặc trưng do trẻ còn phát triển nên có thể tính tới 5 năm cập nhật một lần, trong hệ thống quản lý động bộ thì không lo có sự cố.

"Về mặt kinh tế - xã hội, nếu mọi người đều có căn cước công dân sẽ rất thuận lợi. Chúng ta không nên để lỡ cơ hội này trong quản lý, quản trị xã hội, không để khoảng trống khi có những đối tượng không có giấy tờ", Bộ trưởng Công an nhấn mạnh mục tiêu 100% người dân có căn cước.

Nêu thực trạng, hiện còn khoảng 3 triệu người dân chưa làm căn cước công dân, Đại tướng Tô Lâm cho biết lực lượng công an phải đi tìm từng người để làm vì có những người không làm vì không có nhu cầu, nhưng về mặt quản lý, ai cũng cần làm căn cước công dân để phục vụ quản trị xã hội.

"Ví dụ trẻ em đi lạc, hoặc gặp sự cố gì không có giấy tờ thì không biết là ai, phải đăng tin tìm thân nhân. Nếu hoàn thiện được việc này có thể xác định được ngay từ những việc như tìm trẻ lạc", ông Tô Lâm nói.

Đánh giá căn cước công dân hiện nay là một trong những nội dung hiện đại, Bộ trưởng Công an nêu mục tiêu phấn đấu trong ASEAN về việc thống nhất các loại giấy tờ, tiến đến công dân các nước trong ASEAN đi lại không cần hộ chiếu.

"Nếu đạt được thỏa thuận thống nhất trong ASEAN, các quốc gia trong khối hay Việt Nam có thể đi lại giữa các nước bằng căn cước công dân", Bộ trưởng Công an nói thêm.

Trước đó, thẩm tra nội dung bổ sung quy định cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này.

"Bởi độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác. Phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ dù không bắt buộc vẫn phát sinh chi phí.

Mặt khác, khi xem xét, thông qua Luật căn cước công dân năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận nhưng Quốc hội quyết định chỉ cấp căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.

Một số ý kiến cho rằng việc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất là phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-truong-cong-an-neu-ly-do-can-cap-can-cuoc-cong-dan-cho-tre-duoi-14-tuoi-ar748633.html