Bộ trưởng Đào Hồng Lan khuyến cáo người dân khi xem quảng cáo TPCN
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh, có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm...
Trong phần trả lời chất vấn sáng 12/11 của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có 3 câu hỏi của các Đại biểu Quốc hội về nhóm nội dung liên quan đến quản lý thực phẩm chức năng.
'Trên nhãn sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn có ghi đối tượng khuyến cáo sử dụng và không sử dụng'
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đặt câu hỏi về "giải pháp căn cơ, hiệu quả nào để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về thực phẩm chức năng để biết cách sử dụng đúng, mang lại hiệu quả, đúng với bản chất, công dụng của thực phẩm chức năng và để bảo vệ sức khỏe cho người dân'.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định: Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã quy định Thực phẩm chức năng gồm 04 nhóm: thực phẩm bổ sung; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư danh mục vi chất dinh dưỡng sử dụng trong thực phẩm, Thông tư quy định về quản lý thực phẩm chức năng, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng mục đích y tế cho trẻ đến 12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi và giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trong đó quy định rõ liều nhu cầu và ngưỡng dung nạp tối đa trong ngày của các vi chất dinh dưỡng; quy định ghi đối tượng sử dụng phù hợp với công dụng của sản phẩm; quy định về các chỉ tiêu an toàn…. Tuy nhiên hiện nay tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, thổi phồng công dụng, làm cho người tiêu dùng gây hiểu nhầm về bản chất sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng: Trong trường hợp mắc bệnh thì cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời theo phác đồ của thầy thuốc.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý khi sử dụng thực phẩm chức năng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; người tiêu dùng cần xem rõ về thành phần, tác dụng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.
"Trên nhãn sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi đối tượng khuyến cáo sử dụng và không sử dụng"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đồng thời lưu ý người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;
Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh, có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" đều là các quảng cáo vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế thường xuyên đăng tải các thông tin cảnh báo và thông tin xử lý vi phạm hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng để người tiêu dùng biết và không mua.
Đề xuất tăng các mức xử phạt đối với vi phạm về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm
Liên quan tới chất vấn của đại biểu về việc quản lý thực phẩm chức năng, quản lý mỹ phẩm, vai trò trách nhiệm của các cơ quan ban ngành liên quan từ vấn đề xác nhận nội dung, công bố sản phẩm, xác nhận nội dung quảng cáo, cho đến vấn đề quản lý thị trường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành đối với thực phẩm chức năng, cũng như mỹ phẩm, chúng ta quản lý theo cơ chế hậu kiểm.
Theo cơ chế này, tổ chức cá nhân phải chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, đơn vị có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.
Tùy theo từng loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Trong đó, đã có các quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; có định nghĩa liên quan tới hàng nhập lậu.
Đối với các sản phẩm bán trên website hoặc trên trang thương mại điện tử, tổ chức hội thảo để lừa dối người tiêu dùng đặc biệt là người cao tuổi, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung này cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng: Quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh, cũng như tăng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Cùng đó, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 389, các lực lượng như hải quan, biên phòng, quản lý thị trường và các tổ chức liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép trên thị trường.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương để phát hiện những hành vi sai phạm và xử lý theo quy định…