Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài đóng góp cho đất nước 3,5-4 tỷ USD/năm
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dẫn số liệu cho biết, trung bình 1 năm có khoảng 120.000-143.000 người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Từ lực lượng lao động này, trung bình 1 năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5-4 tỷ USD.
Phát huy nguồn lực lao động ở nước ngoài
Tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội sáng 8/11, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao sau xuất khẩu lao động, kế hoạch bảo đảm xuất khẩu lao động hợp lý để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân, một mặt không làm gia tăng tình trạng thiếu hụt nhân lực lao động tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu công nghiệp của các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để bố trí đủ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở, phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để đảm đương công tác này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, theo tinh thần Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trung bình 1 năm có khoảng 120.000-143.000 người đi lao động ở nước ngoài.
Riêng năm 2023, đã có 112.000 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó 55.000 người đi Nhật Bản và 30.000 người đi Đài Loan (Trung Quốc). Từ lực lượng lao động nước ngoài này, trung bình 1 năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5-4 tỷ USD.
Để phát huy lực lượng lao động ở nước ngoài, theo Bộ trưởng, đây là vấn đề Chính phủ đã có chỉ đạo trong nghị quyết của Chính phủ.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện các giải pháp như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm; kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài như trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể làm việc ở các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phát huy được năng lực, hoặc trường hợp lao động ở doanh nghiệp trong nước có thể sang doanh nghiệp nước ngoài làm việc…
Cùng với đó, có quy định bổ sung hình thức lao động ngắn hạn, thời vụ, theo mùa để tận dụng năng lực, sở trường của người lao động; tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh…
Về quy mô lực lượng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong 1 năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết 1,6-1,7 triệu lao động trong nước, ước tính 1 năm 130.000-140.000 đi nước ngoài, chiếm khoảng 10%, đồng thời duy trì từ 500.000-650.000 người thường xuyên lao động ở nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, quy mô này là vừa phải, đồng thời, căn cứ nhu cầu lao động trong nước để có cân đối, điều chỉnh số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, giữ tỷ lệ phù hợp để không ảnh hưởng đến trong nước.
Đẩy mạnh sự tham gia của đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc trẻ em
Về bố trí cán bộ chăm sóc trẻ em, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ, theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội và Luật Trẻ em quy định rõ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 công chức cấp xã cho khối văn hóa-xã hội, như vậy, riêng về công tác trẻ em sẽ không có chuyên trách.
Do đó, theo Bộ trưởng, trong nhiệm vụ này cần đẩy mạnh sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, đoàn thể xã hội và đẩy mạnh quan tâm từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, việc bố trí riêng cán bộ chăm sóc trẻ em ở thời điểm này là chưa thể, song thực tế ở nhiều địa phương có bố trí cán bộ bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) nêu thực trạng hằng năm, có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Một trong những biện pháp khắc phục hiệu quả là cần dạy trẻ bơi an toàn, tuy nhiên, tỷ lệ trường học có bể bơi còn thấp, việc dạy bơi chưa được đẩy mạnh.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi theo chuẩn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những năm trước đây, tính trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về tỷ lệ trẻ em đuối nước. Từ sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã có chỉ đạo và tổ chức hội nghị toàn quốc, có công điện, trong đó giao nhiệm vụ chính cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo dạy bơi chống đuối nước trong trường học.
Bộ trưởng dẫn số liệu cho biết 2 năm qua, tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ trẻ em đuối nước giảm đi, trong năm 2022 giảm 5%, như vậy 1 năm giảm khoảng 100 cháu.
Về giải pháp dạy bơi trong trường học còn nhiều hạn chế, nhưng theo Bộ trưởng, Tổ chức Y tế thế giới qua kiểm tra và đánh giá ghi nhận có kết quả bước đầu nên cần tiếp tục khuyến khích thực hiện.
Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp và bố trí nguồn lực và thiết bị cho trường học.