Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Xóa nhà tạm, nhà dột nát là cuộc cách mạng giúp người dân an cư lạc nghiệp
'Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một cuộc cách mạng giúp người dân an cư lạc nghiệp, thoát nghèo. Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam cần đẩy tiến độ nhanh hơn. Cứ xóa được nhà tạm, nhà dột nát thì cơ bản giảm nghèo' - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Sáng nay (4/4), Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc trực tuyến với 3 tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa và Nghệ An về tình hình sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu, đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các phong trào thi đua do Chính phủ phát động (đặc biệt là phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát), thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong quý 1/2025.

Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc trực tuyến với 3 tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An sáng 4/4. Ảnh: Lê Anh Dũng
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao gắn với bền vững
Bộ trưởng lưu ý “muốn cả nước tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 và những năm sau tăng trưởng 2 con số thì các địa phương cũng phải tăng trưởng tốt”, đồng thời đánh giá cao sự toàn tâm toàn ý, quyết liệt, chủ động sáng tạo trong công việc của lãnh đạo 3 địa phương.
Cả 3 tỉnh đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao. Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia ở 3 tỉnh đều tốt, đảm bảo tiến độ triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030" do Thủ tướng phê duyệt; quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Đáng chú ý, thu ngân sách của Hà Nam trong quý 1 đã đạt hơn 40% của cả năm 2025.
Bộ trưởng chia sẻ khó khăn với các địa phương khi phải phấn đấu đạt tăng trưởng cao trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt sắp tới, việc bỏ cấp huyện, sáp nhập xã sẽ có tác động không nhỏ tới công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách…
Dù vậy, Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới, “sự quan tâm số một của các địa phương vẫn phải là thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn trên địa bàn”.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tập trung cao trong giải ngân vốn đầu tư công, không chủ quan, bằng lòng với việc đã đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước; chú trọng các dự án trọng điểm.
Cả 3 tỉnh cần đặc biệt quan tâm tới phát triển hạ tầng, nhất là các trục giao thông huyết mạch; triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo nhân lực nói chung, ưu tiên nhân lực chất lượng cao, nhân lực dân tộc thiểu số; dành chính sách đặc biệt để kiên cố hóa trường học, nhà giáo viên ở miền núi; đặc biệt ưu tiên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các điểm cầu tham gia buổi làm việc trực tuyến sáng 4/4. Ảnh: Lê Anh Dũng
Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Không trông chờ, khó đâu gỡ đó
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Hà Nam là 1 trong 10 tỉnh có số nhà tạm, nhà dột nát cần xóa ít nhất (571 căn), nhưng đến ngày 28/3 mới khởi công, hoàn thành 71 căn. Toàn tỉnh còn 0,03% hộ nghèo dân tộc thiểu số, 0,1% hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.
Thanh Hóa có 6.546 căn nhà tạm, nhà dột nát cần xóa, đến nay đã hoàn thành 1.026 căn. Tổng số hộ nghèo và cận nghèo dân tộc thiểu số khá cao, chiếm gần 23%.
Nghệ An có tới hơn 8.600 căn nhà tạm, nhà dột nát cần xóa, hiện đã hoàn thành khoảng 60%, tương đương hơn 5.200 căn. Tỉnh này phấn đấu tới ngày 31/7 tới đây sẽ hoàn thành 100%. Toàn tỉnh còn tới 47% hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số.
Người đứng đầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo bày tỏ sự vui mừng vì 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt kết quả rõ rệt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một cuộc cách mạng giúp người dân an cư lạc nghiệp, thoát nghèo”. Ảnh: Lê Anh Dũng
“Các địa phương đều không trông chờ mà khó gì gỡ đó, chủ động huy động thêm nguồn lực để triển khai. Trung ương quy định mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/căn thì Thanh Hóa nâng lên 80 triệu đồng/căn. Nghệ An thì huy động được thêm nhiều bộ, ngành cùng hỗ trợ. Với những nơi như miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An, cứ xóa được nhà tạm, nhà dột nát thì cơ bản giảm nghèo” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Với tỉnh Hà Nam, vì số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xóa chỉ còn hơn 500 căn nên Bộ trưởng đề nghị tập trung làm dứt điểm, sớm vào top các tỉnh tuyên bố không còn nhà tạm, nhà dột nát (hiện đã có 7 tỉnh công bố không còn nhà tạm, dột nát).
“Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một cuộc cách mạng giúp người dân an cư lạc nghiệp, thoát nghèo. Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn, đòi hỏi các địa phương phải quyết tâm rất cao. Dự kiến phấn đấu đến ngày 31/10 năm nay, cả nước cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đề nghị 3 tỉnh đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa có thể vượt tiến độ, tôi sẽ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, khen thưởng xứng đáng khi tổng kết phong trào này” - Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Lê Hồng Vinh cho biết địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 10,5%.
Trong quý I, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 8%. Thu ngân sách nhà nước 6.311 tỷ đồng, đạt 35,6% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 5.954 tỷ đồng (đạt 37,2%), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 293 tỷ đồng (đạt 18%).
Về giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tổng kế hoạch năm 2025 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 10.000 tỷ đồng, hết quý I đã phân bổ 9.027 tỷ đồng, đạt 90,24%. Đến ngày 31/3, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 17,18% tổng kế hoạch được giao, xếp thứ 14 cả nước, cao hơn bình quân chung của cả nước (9,53%).
Nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia có chuyển biến tích cực, tỉnh đã giải ngân 22,23% kế hoạch (bình quân chung cả nước là 16,57%).
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam - ông Trương Quốc Huy cho biết trong quý I, tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 10,54% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 22,43% kế hoạch năm 2025.
Thu cân đối ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 8.560 tỷ đồng, tăng 266% so với cùng kỳ, bằng 40,8% dự toán Trung ương giao.
Từ ngày 1/1-31/3, tỉnh thu hút được 32 dự án đầu tư, điều chỉnh tăng vốn 15 dự án, điều chỉnh các dự án khác 626 triệu USD, bằng 997% so với cùng kỳ năm trước.
Phân bổ vốn đầu tư công theo quyết định của Chính phủ là 10.664 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư vốn 17.382 tỷ đồng theo ngân sách địa phương. Hết tháng 3, tỉnh giải ngân được 2.719 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tỉnh Hà Nam phấn đấu năm 2025 tăng trưởng trên 10,5%, giải ngân 100% đầu tư công.
Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa - ông Đầu Thanh Tùng cho biết ngày 30/3 vừa qua, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về kịch bản tăng trưởng kinh tế Thanh Hóa năm 2025. Trong đó, tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý, phấn đấu GRDP năm 2025 đạt 11% trở lên, theo đúng mục tiêu Chính phủ giao.
Quý I vừa qua, GRDP của tỉnh đạt 5,57%; giá trị xuất khẩu ước đạt 1,447 tỷ USD, tăng 16%, bằng 18,5% kế hoạch; nhập khẩu 2,574 tỷ USD.
Tỉnh thu hút được 24 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 501 tỷ đồng và 24 triệu USD.
Thu ngân sách nhà nước của Thanh Hóa ước đạt 12.572 tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán. Trong đó thu nội địa ước đạt 6.968 tỷ đồng (bằng 23,5% dự toán), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 5.604 tỷ đồng (bằng 31,1% dự toán, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước).
Đến ngày 25/3, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.401 tỷ đồng, bằng 16,9% kế hoạch năm; giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đạt 360 tỷ đồng, bằng 34,7% kế hoạch.