Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Nhân rộng 'lá phổi' ven biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân
Đại diện các tổ chức, đoàn thể, người dân đã trồng 1.000 cây bần chua, làm tiền đề phát động phong trào trồng cây tại các vùng đất ngập nước ven biển giúp tạo ra hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Chào mừng 66 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây,” kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025, sáng 4/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức Chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025 tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy thuộc tỉnh Thái Bình.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình và đại diện các tổ chức, đoàn thể, người dân đã trồng 1.000 cây bần chua, làm tiền đề phát động phong trào trồng cây tại các vùng đất ngập nước ven biển giúp tạo ra hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn; tạo sinh kế bền vững cho nhân dân địa phương.
Mỗi người nên trồng ít nhất 1 cây xanh
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay một năm khởi đầu từ mùa Xuân, mùa Xuân mở đầu cho năm mới với bao điều tốt đẹp, cây cối đâm chồi nảy lộc, là mùa sinh sôi phát triển mạnh mẽ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy mỗi người nên trồng ít nhất 1 cây xanh vào dịp Tết để góp phần làm cho quê hương, đất nước càng ngày càng xuân. Từ đó, Tết trồng cây đã trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, việc trồng cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong bối cảnh hiện tại, khi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu đang có những tác động sâu rộng tới sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Sự phát triển của cây xanh đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện môi trường đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững cho đất nước.
“Điều này cũng góp phần giảm thiểu thiên tai, hạn chế phát thải khí nhà kính và ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Theo đó, trong dịp Tết trồng cây năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Thái Bình lựa chọn Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy (một vị trí quan trọng trong công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước ven biển) để tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ,” mừng xuân Ất Tỵ năm 2025 và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị đồng hành đã trao tặng Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và người dân huyện Thái Thụy 10.000 cây xanh (bao gồm cây trang, cây bần). Tại lễ phát động hôm nay sẽ tiến hành trồng 1.000 cây bần chua, 9.000 cây còn lại sẽ được trồng trong những ngày tiếp theo đến trước ngày 30/3/2025, tùy theo điều kiện thời tiết và con nước tại đây.
10.000 cây xanh của chương trình Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025 này là những cây bản địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất ngập nước tỉnh Thái Bình, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, phòng chống thiên tai, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đê biển, chắn sóng và tạo sinh kế bền vững cho nhân dân địa phương.
“Lễ phát động Tết trồng cây năm nay cũng là dịp để chúng ta cùng hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025, với chủ đề ‘Bảo vệ đất ngập nước vì tương lai của chúng ta.’ Chủ đề Ngày Đất ngập nước thế giới năm nay với mục tiêu nhấn mạnh sự chung tay góp sức của cộng đồng để bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, hướng đến thế giới mà tất cả mọi người có thể tiếp tục hưởng lợi từ các dịch vụ duy trì sự sống mà đất ngập nước cung cấp,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Khen thưởng kịp thời, chặn phá rừng trái phép
Nhắc lại lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng để “Tết trồng cây” thực sự ý nghĩa và mang lại những hiệu quả thiết thực “ích nước lợi nhà,” Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các các bộ, ngành, địa phương; các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và mỗi gia đình, cá nhân cùng chung tay, tăng cường tổ chức các hoạt động trồng cây xanh trên cả nước.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đến các cộng đồng dân cư để không chỉ trồng cây vào dịp Tết đến, Xuân về, mà trồng cây vào cả mùa xuân, trồng cây trong cả năm khi điều kiện thời tiết thích hợp; lan tỏa rộng rãi ý nghĩa của việc trồng cây là hoạt động “tốn kém ít mà lợi ích nhiều” - theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các hệ sinh thái.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh các giải pháp dựa vào thiên nhiên, dựa vào cộng đồng; tất cả các thành viên trong xã hội cần chung tay ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người dân về bảo vệ, phát triển rừng.
“Đặc biệt, việc bảo vệ rừng ngập mặn và bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ rất quan trọng, vì chúng không chỉ giúp duy trì hệ sinh thái mà còn bảo vệ đê biển, chắn sóng, hạn chế xâm nhập mặn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Bên cạnh đó, việc phát hiện và khen thưởng những tấm gương, mô hình và phương pháp hiệu quả cũng rất cần thiết để tạo sức lan tỏa và thúc đẩy nỗ lực chung của toàn xã hội,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị tư lệnh của ngành tài nguyên và môi trường cũng kêu gọi tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 và tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của bộ, ngành và địa phương./.