Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình về giải ngân vốn đầu tư chậm
Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định quyết tâm từ nay cho đến cuối năm sẽ giải ngân vốn đầu tư bằng với mặt bằng chung của cả nước là từ 90 đến 95%.
Chiều 30/10, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều nội dung liên quan đến vấn đề phát triển giao thông liên vùng, hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công đã được các đại biểu đề cập trong một ngày thảo luận đã được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải đáp.
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề cập đến việc thực hiện dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có chủ trương xây dựng tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài-Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ-Yên Bái với cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Đây là hai tuyến giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh phía Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội giữa các tỉnh trong khu vực Tây Bắc còn rất nhiều khó khăn.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 71 bổ sung danh mục sử dụng vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Chính phủ đã hoàn thành ký kết Hiệp định vay vốn.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa được bố trí vốn đối ứng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Nếu trong năm 2020 không thực hiện được việc bố trí vốn, dự án sẽ không thể triển khai được theo tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đã ký kết, ảnh hưởng lớn đến cơ hội phát triển các địa phương và đồng bào nhân dân các dân tộc vùng dự án.
Để dự án được triển khai đảm bảo đúng tiến độ như đã cam kết với nhà tài trợ, đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu nay của đồng bào, nhân dân các dân tộc vùng dự án, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét bố trí đủ nguồn vốn đối ứng trong kế hoạch vốn năm 2020, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo dự án được khởi công trong quý 4/2020 như đã cam kết với nhà tài trợ sau khi đã hoàn tất các thủ tục quy định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay, cả nước có 24.500km quốc lộ và gần 2.000km đường cao tốc. Đây là những con đường kết nối liên vùng giữa các tỉnh để đáp ứng được yêu cầu phát triển về vận tải đường bộ.
Về hàng không, có 22 sân bay, các sân bay cũng là tuyến kết nối được giao thông liên vùng rất tốt.
Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 3.200km đường sắt đi qua nhiều tỉnh, 3.200km đường biển, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang phát triển mạnh vận tải ven bờ để đáp ứng được yêu cầu liên kết giữa các vùng. Tuy nhiên, so với yêu cầu, giao thông liên vùng vẫn còn hạn chế.
Trong giai đoạn sắp tới, Bộ sẽ tập trung triển khai một số trục dọc như Hòa Bình-Sơn La, Chi Lăng-Hữu Nghị-Đồng Đăng, nối từ thành phố Hạ Long lên Móng Cái... kết nối với các trục ngang như các quốc lộ 4C, 4D, 279 và 37 để giao thông ở vùng núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng được tốt hơn.
Riêng vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ tập trung vào các đường vành đai của thủ đô Hà Nội và một số trục, trong đó có đường sắt kết nối về Hải Phòng để phát huy cảng biển Lạch Huyện và đưa hàng hóa ra Hải Phòng.
Với khu vực miền Trung, hiện có các trục tuyến đường sắt từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, đường biển dọc theo khu vực miền Trung, quốc lộ 1A đã mở rộng 4 làn xe và trong nhiệm kỳ tới sẽ kết nối đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh ra tới Hà Nội.
“Ngoài ra, chúng ta còn đường Hồ Chí Minh và hiện nay đang triển khai đường biển. Với những trục dọc như thế, chúng tôi đánh giá trong giai đoạn sắp tới, liên kết vùng của miền Trung tương đối là tốt. Chúng tôi còn tập trung kết nối các trục ngang giữa vùng ven biển với Tây Nguyên. Hiện Bộ đang nghiên cứu các dự án để đề xuất với Quốc hội," Bộ trưởng cho hay.
Với khu vực miền Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, sẽ tập trung cho hai đường vành đai của Thành phố Hồ Chí Minh là đường vành đai 3, đường vành đai 4 kết hợp với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành cùng với một số trục đường của địa phương để giao thông liên vùng ở khu vực miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh tốt nhất.
Khu vực miền Tây Nam Bộ, Bộ tập trung vào ba trục dọc, một là sẽ hình thành đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ và kết nối xuống Cà Mau. Đường thứ hai là quốc lộ 60 (trong đó có cầu Rạch Miễu, Đại Ngãi) và thứ ba là đường N2 đi từ Củ Chi qua Đồng Tháp Mười đến Kiên Giang.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu 4 trục ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long là quốc lộ 62, 30, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và đường ven biển phía Tây nối Rạch Giá với Xà Xía, xây dựng cảng biển lớn ở Trần Đề, tạo nên đột phá về cảng biển, có thể đón tàu 100.000 tấn vào đồng bằng sông Cửu Long.
Về một số dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết năm nay, Bộ Giao thông Vận tải là một trong ba đơn vị có vốn ngân sách lớn, cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ được giao 26.000 tỷ đồng nhưng giải ngân chậm, một số dự án trọng điểm tiến độ thực hiện chậm. Trong 26.000 tỷ đồng này, Bộ bố trí 10.000 tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông và 15.000 tỷ đồng cho 14 dự án giao thông cấp bách Quốc hội đã thống từ giữa năm 2017.
Đến thời điểm này, Bộ đã bàn giao cho 14 địa phương để tiến hành giải phóng mặt bằng. Theo tiến độ các địa phương cam kết, tháng 12/2019 sẽ giải ngân được khoảng 4.000 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng phần giải phóng mặt bằng cho toàn tuyến. Từ nay đến cuối năm, sẽ khởi công 10/14 dự án.
"Chúng tôi dự kiến từ nay tới cuối năm có thể giải ngân được khoảng 10 nghìn tỷ đồng liên quan đến giải phóng mặt bằng và cho tạm ứng các dự án khởi công," Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết nguyên nhân chậm giải ngân là do có khoảng 1.000 tỷ đồng liên quan đến vốn vay ODA. Một số dự án sử dụng vốn vay ODA là dự án được giao mới, như đoạn nối từ Lai Châu và Nghĩa Lộ (Yên Bái) về đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, quốc lộ 19 ở Bình Định nối lên Tây Nguyên... Những dự án này kinh phí rất lớn nhưng được thông qua Quốc hội ghi danh mục chậm, do đó hiện nay có vốn nhưng triển khai tương đối chậm.
Ngoài ra, một số dự án đang triển khai bị vướng mắc về mặt thủ tục, điều chỉnh dự án nên bị chậm. Người đứng đầu ngành Giao thông vận tải khẳng định quyết tâm từ nay cho đến cuối năm sẽ giải ngân vốn đầu tư bằng với mặt bằng chung của cả nước là từ 90 đến 95%./.