Bộ trưởng GTVT: Không tiếp cận khoa học công nghệ sẽ khó làm tốt vai trò tham mưu
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) diễn ra chiều nay (13/1).
Chọn người có đức, có tài làm chắc tay nhiệm vụ được giao
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã đạt được, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Không chỉ riêng năm 2024 mà hàng năm, khối lượng công việc Cục được giao là hết sức nặng nề, đa ngành, đa lĩnh vực.
"Cục Quản lý đầu tư xây dựng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ thẩm định, kiểm tra, báo cáo, vừa xử lý công việc theo thẩm quyền, vừa tham mưu cho lãnh đạo Bộ các phương án xử lý công việc sao cho "thuận hòa trên dưới". Khó khăn hơn khi quá trình xử lý công việc liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương", Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một số kết quả nổi bật Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã nỗ lực làm được.
"Xử lý gần 20.000 văn bản cả đi lẫn về là thách thức lớn trong bối cảnh nhân sự hạn chế, rải ra làm nhiều nhiệm vụ, từ trụ sở đến công trường.
Công tác thẩm định cũng gặp không ít khó khăn bởi biến động giá cả thị trường, một số đơn giá định mức chưa có, chưa bắt kịp được với thực tiễn triển khai dự án", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giao nhiệm vụ năm 2025 cho đơn vị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng phải củng cố lực lượng, lựa chọn những người có đức, có trình độ, làm chắc tay các nhiệm vụ được giao.
"Ứng dụng công nghệ là vấn đề Cục cần đặc biệt chú trọng. Khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển, nếu không tiếp cận được sẽ khó làm tốt vai trò tham mưu", Bộ trưởng lưu ý.
Đề cập đến mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025, Tư lệnh ngành GTVT cho biết, lo lắng nhất hiện nay vẫn là các dự án ở khu vực miền Tây.
"Các đơn vị phải tập trung đẩy tiến độ, song cũng không bỏ qua chất lượng. Muốn vậy, vai trò kiểm tra, giám sát của các đơn vị chuyên môn như Cục Quản lý đầu tư xây dựng là rất quan trọng", Bộ trưởng nói.
Bước sang năm mới, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng yêu cầu Cục quản lý chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Đường sắt để tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả 19 cơ chế đặc thù trong triển khai đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua.
"Cục và đơn vị quản lý dự án cũng phải thực hiện các thủ tục đầu tư để lựa chọn tư vấn, xa hơn là lựa chọn nhà thầu xây lắp, bảo đảm tiến độ các dự án đường sắt trọng điểm, trước mắt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng", Bộ trưởng chỉ đạo.
Một năm được giao khối lượng công việc "khổng lồ"
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, năm 2024, Cục được giao khối lượng công việc đặc biệt lớn với nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, với tinh thần không kể ngày - đêm, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, Cục đã phối hợp tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 chỉ thị, công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác GPMB, nguồn vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Cục cũng phối hợp với các cơ quan của Bộ Xây dựng kiểm tra hiện trường, thu thập các số liệu để Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 9/2024 sửa đổi, bổ sung 250 định mức, giải quyết cơ bản một số khó khăn, vướng mắc trong công tác định mức của ngành GTVT; Phối hợp tham mưu để bộ chuyên ngành ban hành hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ đặc thù, làm cơ sở cho các chủ đầu tư phê duyệt, thanh toán cho nhà thầu.
Đáng chú ý, theo nhiệm vụ được giao, Cục đã tiếp nhận hơn 14.000 văn bản đến, ban hành gần 3.500 văn bản đi các loại (quyết định, báo cáo thẩm định, văn bản chỉ đạo điều hành…) và nhiều báo cáo phục vụ các cuộc họp giao ban, kiểm tra hiện trường của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, Cục đã thẩm định, trình Bộ phê duyệt 8 dự án, điều chỉnh 21 dự án; thẩm định dự án đầu tư và điều chỉnh dự án của cơ quan chuyên môn về xây dựng 27 dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu.
Trong đó, có 6/7 dự án đã được phê duyệt sử dụng vốn tăng thu năm 2022, 2023 theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
"Đặc biệt trong thời gian ngắn, Cục đã hoàn thành thẩm định và trình Bộ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới theo lệnh xây dựng khẩn cấp; Đang phối hợp với ACV và các cơ quan liên quan để thẩm định điều chỉnh dự án đầu tư Cảng HKQT Long Thành (đầu tư bổ sung đường cất hạ cánh thứ 2)", ông Tiến thông tin.
Trong 19 cơ chế đặc thù liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua, có những cơ chế về thực hiện đầu tư nhận được sự góp ý quan trọng của Cục Quản lý đầu tư xây dựng nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Có những ngày 1 - 2 giờ sáng Ban liên hệ trao đổi, lãnh đạo, cán bộ nhân viên Cục cũng sẵn sàng phối hợp làm thông đêm suốt sáng để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt.
Về công tác thực hiện đầu tư, theo ông Tiến, năm qua, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã thẩm định chuyên môn về xây dựng, trình Bộ phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh 55 dự án; thẩm định 140 hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, 54 hồ sơ dự toán.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, trong năm 2024, Cục đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường khoảng 211 đợt, tham mưu Bộ chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban QLDA hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng để khởi công 12 dự án; hoàn thành đưa vào khai thác 8 dự án.
Riêng 2 dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Cục đã cử lãnh đạo, chuyên viên thường xuyên có mặt tại hiện trường để đôn đốc, kịp thời tham mưu giải quyết các khó khăn vướng mắc, về đích đúng tiến độ, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên 2.021 km.
Với các dự án thuộc danh mục 3.000km có kế hoạch hoàn thành năm 2025, Cục đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện các dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ có các chỉ đạo, giải quyết kịp thời; Phối hợp với các chủ đầu tư để đưa ra các giải pháp xử lý kỹ thuật, rút ngắn thời gian thi công nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng như: hút chân không, sử dụng cấp phối đá dăm để gia tải, thay từ giải pháp bấc thấm sang cọc xi măng đất...
Đến nay, một số dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang thi công vượt kế hoạch và đang phấn đấu hoàn thành sớm từ 3 - 6 tháng.
Tiếp nối các kết quả đạt được, năm 2025, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đặt nhiều mục tiêu lớn như: tập trung đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành 51 dự án, đặc biệt là quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành các dự án thuộc danh mục 3.000km đường bộ cao tốc; Triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Triển khai các thủ tục để khởi công 19 dự án; Kịp thời nhận diện các khó khăn, vướng mắc đề xuất Bộ hoặc tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.