Bộ trưởng GTVT: Kiểm soát chặt tiến độ, không quên chất lượng công trình
Công tác xây dựng cơ bản là một trong những điểm sáng lớn nhất của ngành giao thông vận tải từ đầu năm đến nay, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vẫn nhấn mạnh 'tiến độ quan trọng nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu'.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT), tổng kế hoạch năm 2020 của Bộ GTVT được giao khoảng 39.826 tỷ đồng gồm: 36.122 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.704 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.
Tính đến nay, Bộ GTVT giải ngân được 31.918 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch 2020. Trong đó, vốn trong nước giải ngân được 27.253 tỷ đồng, đạt 80,9% kế hoạch; vốn nước ngoài giải ngân được 4.664 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch.
Với kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, công tác xây dựng cơ bản là một trong những điểm sáng lớn nhất của ngành GTVT từ đầu năm đến nay. Bộ trưởng cũng không quên lưu ý Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ và chất lượng các dự án bởi “tiến độ quan trọng nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu”.
Với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải kiểm tra, giám sát liên tục quá trình tiến hành thảm mặt cầu. Đồng thời, khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác, phải có các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện lưu thông qua cầu.
Ban QLDA Thăng Long, Tổng công ty Cửu Long tập trung cao độ để hoàn thành đưa vào khai thác dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong cuối năm 2020.
“Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp, các đơn vị tập trung để khởi công trong tháng 12/2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, cuối năm nay, hai dự án quan trọng là tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và hầm Hải Vân cũng sẽ phải hoàn thành, đưa vào khai thác”, Bộ trưởng chỉ đạo Cục QLXD&CLCTGT phối hợp với các bên liên quan chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án sân bay Long Thành đảm bảo tiến độ.
Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai khẩn trương hoàn thành thi công dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn trong năm 2021. Hiện nay, mặt bằng của dự án đã cơ bản hoàn thành, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 30%, tiến độ đang bám sát kế hoạch để hoàn thành công trình trong năm 2021.
“Khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác phải được triển khai thu phí ngay để thu hồi vốn cho Nhà nước. Đồng thời, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai đầu tư xây dựng các dự án thành phần còn lại nhằm sớm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 66 của Quốc hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về tình hình triển khai các dự án đường sắt, ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp của 3 dự án đường sắt cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Ban làm đại diện chủ đầu tư đến nay cơ bản đảm bảo theo kế hoạch, các gói thầu đã ký kết được hợp đồng đều đã triển khai thi công đồng loạt.
“Kế hoạch vốn được Bộ GTVT giao đầu năm là 1.800 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 2.162 tỷ đồng, vượt 120% kế hoạch. Từ tháng 8/2020, Ban QLDA Đường sắt đăng ký bổ sung thêm 500 tỷ đồng, so với kế hoạch vốn đã điều chỉnh (2.300 tỷ đồng), đến nay giải ngân đạt 92,5% kế hoạch cả năm”, ông Vũ Hồng Phương cho biết.
Ghi nhận kết quả đạt được của Ban QLDA Đường sắt, Bộ trưởng cho rằng “đây là bài học lớn, bởi khi tập trung quyết liệt thì chúng ta giải ngân dự án đường sắt cũng không kém các dự án đường bộ”.