Bộ trưởng Hầu A Lềnh lý giải việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo

Trả lời chất vấn chiều 6/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã lý giải việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo.

Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh - xã hội và chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cho đối tượng nghèo ở đồng bào vùng đặc biệt khó khăn rất khả thi, nhiều hộ đã thoát nghèo, thậm chí, có hộ xung phong thoát nghèo, cử tri rất trân trọng.

Tuy nhiên, hiện nay, không những đồng bào dân tộc thiểu số mà cả đồng bào Kinh tâm lý không muốn thoát nghèo, hay không muốn thoát hộ cận nghèo. Tâm lý này đã diễn ra ở nhiều nơi, khắp cả nước. Nếu tình hình như vậy, công tác giảm nghèo của chúng ta rất khó khăn. "Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp ra sao để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo" - đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, tình hình di cư tự do của một bộ phận đồng bào vẫn còn tái diễn, mặc dù chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện về đất sản xuất, nhà ở, hỗ trợ đời sống cho đồng bào khó khăn để giữ đồng bào bám đất, giữ nhà nhưng vẫn chưa hiệu quả đối với một số bộ phận đồng bào hiện nay. "Xin Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp để giữ đồng bào, hạn chế di cư tối đa về vấn đề tự do" - đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, đó là thực trạng. Nhiều hộ gia đình không phải là đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả là người Kinh ở vùng khó khăn, đang là vùng nghèo không muốn thoát nghèo.

"Qua quá trình nghiên cứu các tài liệu của các bộ, ngành liên quan, các địa phương và quá trình thực tế ở địa phương, chúng tôi thấy rằng hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh lý giải, mặc dù theo tiêu chí đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống của họ vẫn rất khó khăn. Người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều. Bên cạnh đó, nếu đang là hộ nghèo còn được hưởng các chính sách đầu tư, hỗ trợ, nếu thoát thì sẽ không được hưởng tiếp...

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, cần phải có rất nhiều biện pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát, đánh giá hộ nghèo, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, làm sao khi đưa hộ nghèo này ra, đảm bảo được điều kiện tối thiểu để họ sinh sống ở vùng không phải nghèo nữa, người ta sẽ yên tâm hơn.

Đồng thời, cần thực hiện biện pháp tuyên truyền, thuyết phục, vận động bà con nhân dân để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên. Trong thực tế các địa phương cũng có rất nhiều các trường hợp tự nguyện, có khi xin ra khỏi hộ nghèo cũng có. Đó là những tấm gương và những điều chúng ta cần phải tập trung tuyên truyền thêm.

Mặt khác, Bộ trưởng cho rằng, hệ thống tiêu chí về giảm nghèo của chúng ta còn phụ thuộc vào điều kiện của đất nước, yếu tố phát triển từng giai đoạn nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí hơn để người thoát nghèo cũng yên tâm không bị tái nghèo trở lại và có cuộc sống tốt, yên tâm ở địa phương.

Về vấn đề di cư còn tái diễn, Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận, có rất nhiều nhóm cộng đồng dân cư mặc dù đã được tạo điều kiện tốt, hoặc đã được bố trí tái định cư do các dự án thu hồi đất, nhưng họ vẫn đi, chủ yếu do vấn đề kinh tế, tập quán...

Đây là thực tiễn đang diễn ra. Về giải pháp, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con nhân dân và tạo các điều kiện tốt hơn khi xây dựng các dự án tái định cư do thu hồi đất của dân. Việc xây dựng các dự án tái định cư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là các dự án này phải đầy đủ các điều kiện về dịch vụ cơ bản để làm sao người dân ổn định cuộc sống. Đó là những giải pháp căn cơ để giải quyết được vấn đề này.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-hau-a-lenh-ly-giai-viec-nhieu-ho-gia-dinh-o-vung-ngheo-khong-muon-thoat-ngheo-257044.html