Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Áp dụng trí tuệ nhân tạo để ngăn chặn hóa đơn giả
Đến 1/7/2022, tất cả doanh nghiệp trên cả nước thực hiện hóa đơn điện tử, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên chất vấn tại Quốc hội về lĩnh vực tài chính chiều 8/6.
Liên quan đến vấn đề hóa đơn điện tử, chính sách hỗ trợ cho những đơn vị vùng sâu vùng xa thực hiện hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ngành tài chính đã thực hiện đúng Luật Quản lý thuế 2019, các doanh nghiệp được thực hiện hóa đơn và hạch toán điện tử.
Phương án áp dụng khoa học công nghệ sẽ giúp chúng ta giải quyết được số lượng lớn hóa đơn, phản ánh đúng doanh thu, thuận lợi trong quá trình kiểm soát, kiểm tra. Tổng Cục thuế đã triển khai bước 1 ở 6 địa phương để tiến hành thí điểm triển khai hóa đơn điện tử, từ tháng 4/2022 đến nay đã tiếp tục triển khai bước 2 để mở rộng thêm. Đồng thời áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu sẽ ngăn chặn trục lợi chính sách, làm hóa đơn giả.
Đối với các hộ gia đình vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện về máy tính, điện thoại thông minh thì sẽ triển khai hóa đơn điện tử theo lộ trình dần dần. Đối với doanh nghiệp vùng sâu vùng xa thì vẫn thực hiện quản lý hóa đơn có mã, truyền dữ liệu đến cơ quan thuế để quản lý thuế chặt chẽ.
Về trách nhiệm chỉ đạo việc cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo về cổ phần hóa, gồm các thành viên là các Bộ, ngành hữu quan, trong đó có Bộ Tài chính. Trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp trong vấn đề cổ phần hóa là chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Về phía địa phương thì trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh thực hiện cổ phần hóa theo đúng danh mục đã được Thủ tướng ban hành, đúng kế hoạch cổ phần hóa. Với các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc là người trực tiếp chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm về phương án cổ phần hóa.
Trong những năm qua, quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm, vì hồ sơ cổ phần hóa không được lập, phương án cổ phần hóa không hoàn chỉnh, không được phê duyệt. Vướng mắc chủ yếu trong công tác này là ở khâu đánh giá giá trị của doanh nghiệp, phương án sử dụng đất khi UBND các tỉnh không phê duyệt, các vướng mắc khác trong nội tại doanh nghiệp ngay từ khi chưa cổ phần hóa.