BỘ TRƯỞNG HỒ ĐỨC PHỚC: CẦN NGHIÊN CỨU BỘ PHẬN CHUYÊN NGHIỆP ĐỂ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐẢM BẢO NGUYÊN TẮC AN TOÀN, BỀN VỮNG VÀ HIỆU QUẢ.

Góp ý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc , đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu sớm hình thành bộ phận chuyên nghiệp để quản lý đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.

Về vấn đề đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật Bảo hiễm xã hội đã bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư, danh mục đầu tư và phương thức đầu tư; quản lý hoạt động đầu tư để bảo đảm đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả tại các điều 119, 120 và 121. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ Cân nhắc bổ sung vào Điều 119 của dự thảo Luật nguyên tắc “Hoạt động Đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải đi liền với quản lý rủi ro hoạt động đầu tư”, cần quy định việc lập kế hoạch đầu tư, dự báo các yếu tố tác động đến sự an toàn quỹ... và quy định rõ về thẩm quyền theo phân cấp vấn đề này và nghiên cứu quy định trong dự án Luật về thẩm quyền quyết định đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội. Trong giai đoạn tới cần khẩn trương nghiên cứu sớm hình thành bộ phận chuyên nghiệp về đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã làm rõ hơn nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Phóng viên: Thứ Bộ trưởng, hiện nay ông đang là chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm Quốc gia? Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tôi hiện nay đang làm Chủ tịch của Hội đồng quản lý bảo hiểm Quốc gia. Tất nhiên là sau khi sửa luật này, tôi sẽ giao về Phó Thủ tướng để chính phủ điều hành thì sẽ mạnh mẽ và bao quát hơn. Đối với danh mục đầu tư , chúng tôi phải rất thận trọng với khoản đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội. Bây giờ chủ yếu là chúng tôi đầu tư trái phiếu Chính phủ. Nhưng đầu tư vào trái tiến Chính phủ dù đảm bảo chắc chắn và hỗ trợ được cho ngân sách, cho chính sách tài khóa, nhưng lãi suất không cao. Hiện nay, tỷ lệ là khoảng 80 % là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, còn lại 20 % gửi ở các ngân hàng thương mại, nhưng chỉ gửi có 4 ngân hàng lớn củ nhà nước để đảm bảo độ an toàn.

Với 2 phương án được đưa ra về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội. Cơ quan thẩm tra nêu 2 phương án. Phương án 1 là Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

còn phương án 2 là mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu bảo hiểm xã hội và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Tôi thấy rằng mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm, nhưng tôi thống nhất với quan điểm của Ủy ban Xã hội ủng hộ Phương án 1 vì đây là phương án tiết giảm nhất chi phí. Do đặc thù của hệ thống bảo hiểm nước ta là quản lý và vận hành cả thu và chi, cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Trong giai đoạn vừa qua, chỉ khoảng 30% chi phí quản lý dành cho chi tiền lương của bộ máy còn lại chủ yếu là chi đầu tư xây dựng cơ bản cho hệ thống trụ sở cơ quan bảo hiểm xã hội từ Trung ương đến địa phương. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cơ bản hoàn thành nên tỷ lệ có giảm dần và giảm nhanh. Sắp tới thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương sẽ thống nhất định hướng về mức lương cụ thể, bãi bỏ các hệ số, phụ cấp đặc thù..., điều này dẫn đến chi phí quản lý sẽ giảm hơn.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, dự thảo Luật đang trình phương án về thay đổi mô hình của hội đồng quản lý quỹ do một Phó Thủ tướng làm chủ tịch Quỹ. Nhiều ý kiến chưa đồng tình với sửa đổi này. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào?

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc: Trong giai đoạn tới, tôi nghĩ rằng đây là vấn đề quan trọng, cần khẩn trương nghiên cứu sớm hình thành bộ phận chuyên nghiệp về đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo tôi, về Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm sẽ cần là một hội đồng kiêm nhiệm gồm có 8 bộ ngành mà sắp tới Phó Thủ tướng làm Chủ tịch. Nhưng về nguyên tắc, Hội đồng quản lý Quỹ không nên can thiệp cụ thể vào vấn đề sản xuất kinh doanh của cơ quan bảo hiểm xã hội mà chỉ nên quản lý và định hướng, tức là quản lý và định hướng trong vấn đề đầu tư để khỏi mất vốn, nắm được tình hình hình để chỉ đạo, điều kiện chính sách. Chứ không nên can thiệp sâu vào vấn đề quản trị thì sẽ hợp lý hơn.

Tôi cũng kiến nghị sửa đổi Điều 121 khi quy định là Bộ Tài chính là cơ quan thanh tra, kiểm tra và thống kê khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm. tôi nghĩ là không hợp lý, bởi vì quản lý quỹ hưu trí, quản lý lao động là Bộ Lao động thương binh xã hội, mà thanh tra về chế độ bảo hiểm xã hội nên là Bộ Lao động Thương binh chứ không phải Bộ Tài chính, nên quy định như Điều 121 là chưa hợp lý

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, qua thảo luận, vẫn thấy còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Với 2 phương án mà ban soạn thảo báo cáo Quốc hội, bộ trưởng có ý kiến như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Hiện ban soạn thảo đưa ra 2 phương án, tôi nghiêng về phương án 2, tức là chỉ giải quyết một phần nhưng cơ sở nào để quy định rút không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì cần xem xét thận trọng, căn cứ vào khả năng đóng và khả năng rút. Tôi đơn cử, phần doanh nghiệp đóng phải giữ lại, vẫn là của người lao động nhưng phải giữ lại nối tiếp để hưởng lương hưu.

Hiện nay cơ cấu là 26% là đóng bảo hiểm xã hội, trong số này có 8% là người lao động đóng, còn 18% là doanh nghiệp đóng cho người lao động. Trong phần doanh nghiệp đóng có 3% là bảo hiểm ốm đau thai sản, 1% là tai nạn còn lại 14% là tử tuất và hưu trí. Tôi nghĩ là nên giữ lại khoản 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động này, còn lại 12% người lao động được rút. Nếu tính theo cơ sở khoa học, thì sẽ tương ứng với khoảng 46% được rút ra, còn 54% là để lại. Có nghĩa là được rút cả ốm đau, tai nạn, thai sản nhưng khoản hưu trí mà doanh nghiệp đóng cho người lao động thì để lại để đóng tiếp và hưởng hưu trí.

Thứ hai là cần xem xét trong thời hạn bao nhiêu năm nếu không đóng thì người lao động được rút, tức là khi người lao động họ chỉ rút 46% còn 54% hay theo đề xuất hiện nay là 50% và 50% để lại thì sau bao nhiêu năm đóng tiếp và được rút hết, tránh việc bảo hiểm xã hội chiếm dụng của người đóng bảo hiểm. Từ phân tích trên, tôi cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng nhiều góc độ quy định này , đồng thời chính sách về giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, cần phải đánh giá tác động chính sách về giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, bởi khi giảm tuổi, thì phải tăng cái mức đóng bởi đây là đóng ngược theo nguyên tắc chia sẻ. Từ phân tích trên, tôi cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng nhiều góc độ quy định này

Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81678