Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu

Bộ trưởng Tài chính khẳng định: 'Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế'.

Sáng 7/4, phát biểu tại Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đã giải đáp một số vấn đề nóng tại diễn đàn như giảm giá xăng dầu, hoàn thuế cho ngành điện, gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến giá xăng dầu, Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế".

Theo Bộ trưởng, giảm thuế không được bao nhiêu cả. Khi giá thế giới là tăng, chúng ta khó cản trở xu hướng này. Do đó, vấn đề là làm thế nào đảm bảo tính đồng bộ, muốn đồng bộ thì quan trọng là điều chỉnh giá phải dựa vào quan hệ cung cầu, như dự trữ xăng dầu, quỹ bình ổn, giảm thuế, đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu...

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, ngành tài chính đã tham mưu cho Chính phủ nhiều giải pháp. Giá xăng dầu thế giới tăng cao nhưng giá xăng dầu trong nước hiện vẫn thấp hơn so với Lào, Trung Quốc, một số quốc gia lân cận. Đó cũng là một sự nỗ lực của cơ quan quản lý. Chúng tôi luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu và giá cả các mặt hàng khác để có chính sách đảm bảo cho việc phát triển của doanh nghiệp.

Đối với việc thực hiện gói kích cầu, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết cũng đã lưu ý đến phát triển doanh nghiệp. Cụ thể, khi kéo dài gói kích cầu từ 2022 - kết thúc 2023, đòi hỏi các công tình cơ bản, đầu tư công phải được thực hiện nhanh trước bối cảnh giá thép lên, xăng dầu lên, cung ứng vật tư kịp thời, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh phải ban hành đơn giá nguyên vật liệu hàng tháng để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi, thu hồi nhanh, thực hiện dự án nhanh.

Liên quan đến việc hoàn thuế cho ngành điện, Bộ trưởng Hồ Đức Phước cho biết rất trăn trở, bởi khi ban hành Nghị định phải lấy ý kiến 1 số bộ ngành khi đưa vào yêu cầu giấy phép sử dụng điện. Tuy nhiên, công trình hoàn thành mới có giấy phép này thì không có nên sẽ không nằm trong đối tượng được hoàn. Nhưng để thay đổi lại vướng luật, nên Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đưa vào họp Chính phủ để có nghị quyết riêng nhằm tháo nút thắt này. Và Bộ Tài chính đang tích cực làm vấn đề này.

“Doanh nghiệp cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính. Với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác chúng tôi sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp. Bộ Tài chính mong có vướng mắc doanh nghiệp phản ánh kịp thời qua các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nhà đầu tư để đưa tới cơ quan quản lý. Bộ Tài chinh sẽ mỗi quý giao ban với lãnh đạo tỉnh 1 lần bằng hình thức trực tuyến để tháo gỡ vướng măc, khó khăn thuộc quản lý, quyền hạn của Bộ Tài chính”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp, chính sách về tài khóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch.

Trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ nêu trên là khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn kinh phí mua vaccine phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi (thông qua cắt giảm chi thường xuyên) và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ để tập trung chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19; cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022. Đồng thời, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập "Quỹ vắc-xin" để huy động thêm nguồn kinh phí cho nhiệm vụ này.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-khong-bao-gio-lay-chenh-lech-gia-xang-dau-lam-nguon-thu-d28965.html