Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải nguyên nhân dự toán không sát thực tế
Giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề dự toán không sát là do những tháng đầu năm 2022 còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tăng trưởng thấp, nhưng quý 3/2022 bắt đầu có sự tăng trưởng nhảy vọt, nên đến cuối năm, tăng trưởng đạt 8,02%. Đây là sự nỗ lực lớn trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng GDP, từ đó, thu ngân sách cũng tăng lên.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 7/6, Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, các số liệu còn chưa trùng khớp với nhau được, đặc biệt là về nợ xây dựng cơ bản. Nội dung này đại biểu đã nêu tại Kỳ họp thứ 5 (năm 2023) về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá thực trạng một cách toàn diện, đầy đủ nhất về “bức tranh” nợ xây dựng cơ bản.
Qua theo dõi, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhận thấy, mặc dù có cố gắng, nhưng hiện nay số nợ xây dựng cơ bản chưa có xu hướng giảm và đã xuất hiện mới. Riêng năm 2022 theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước quyết toán đã phát hiện thêm hơn 4 nghìn tỉ nợ xây dựng cơ bản. “Nếu chúng ta không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới”, bà Mai bày tỏ.
Do đó, bà Mai cho rằng, cần phải hạn chế ảnh hưởng tối đa đến các doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư công một cách chân chính và trao gửi niềm tin thực hiện các dự án đầu tư công, vay vốn ngân hàng, sau đó phải kịp thời thanh toán khi có khối lượng hoàn thành.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho hay, trách nhiệm các chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng với các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn, hoặc thúc đẩy nhanh hơn công tác này. Điều này có trách nhiệm của các cơ quan của Chính phủ còn thiếu kiên quyết, còn nể nang trong vấn đề phân bổ vốn ở nợ xây dựng cơ bản, đầu tư công.
Qua giám sát cùng Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, không phải khoản nào cũng thuộc trách nhiệm của địa phương, có khoản là thuộc trách nhiệm của Trung ương. Do đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nội dung này với Quốc hội, nếu không làm rõ thì sẽ vẫn tái diễn tình trạng này.
Đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ khi 3 chỉ số rất quan trọng của năm 2022 đều đạt và vượt, số tăng thu của năm 2022 rất cao, tạo ra nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường liên vùng, những dự án trọng điểm quốc gia và địa phương, tuy nhiên, liên quan đến điều hành ngân sách địa phương, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn tỉnh Bến Tre) đề nghị cân nhắc việc cho phép sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ quan cấp xã trong thời gian tới.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) cũng cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Song bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục. Trong đó, số liệu báo cáo của Chính phủ và bộ, ngành liên quan thực hiện vốn ngân sách nhà nước còn một số bất cập. Số liệu báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Chính Phủ còn có sự chênh lệch lớn cả về số thu và chi ngân sách; đặc biệt số quyết toán chi ngân sách nhà nước giảm 407.317 tỷ, số bội chi ngân sách nhà nước giảm 49.317 tỷ. Như vậy giảm nhiều so với dự toán.
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách Nhà nước các năm sau. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước thực chất hơn.
Vấn đề thứ hai, đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, một số khoản chi ngân sách đạt thấp so với dự toán; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu do lập dự toán chi ngân sách không sát với thực tế, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, chuẩn bị dự toán đầu tư, lập kế hoạch vốn, giao vốn chậm. Việc ban hành văn bản chi tiết thực hiện của một số chính sách nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều bất cập; cơ chế, chính sách về tài chính có nhiều vướng mắc, chậm sửa đổi; công tác tổ chức thực hiện có nơi còn trì trệ, còn tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa quyết tâm để thực hiện hiệu quả.
Phát biểu giải trình những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về số liệu thực hiện ngân sách năm 2022 so với số liệu quyết toán, tại Kỳ họp tháng 10 (năm 2022), Bộ Tài chính đã có báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, dự báo việc thực hiện dự toán ngân sách của năm 2022, trong đó số liệu có chênh lệch so với báo cáo quyết toán.
Khi dự báo, trong tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Bộ Tài chính căn cứ vào số thực hiện tại thời điểm báo cáo. Bộ Tài chính có thể lấy số liệu đó một cách chính xác trong vòng chậm nhất một giờ, tuy nhiên, phần dự báo liên quan đến nhiều vấn đề phát sinh vào dịp cuối năm, nên số liệu có sự chênh lệch.
Về số chuyển nguồn lớn, Bộ trưởng cho biết, chuyển nguồn ngân sách từ 2022 sang 2023, trong đó có phần thực hiện cải cách tiền lương chiếm 37,7%, chi đầu tư phát triển chiếm 27,3%, tăng thu tiết kiệm chi chiếm 25%, các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 chiếm 1,8%, kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan nhà nước chiếm 0,87%.
Như vậy, chi chuyển nguồn cao chủ yếu do các nguồn lực được chuyển theo quy định pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương đóng vai trò lớn. Bên cạnh đó, những nhiệm vụ đã được ký hợp đồng và được thực hiện trong năm nhưng chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đối với vấn đề chuyển nguồn, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng thực hiện thanh toán ngay trong năm, để số chuyển nguồn giảm đi. Đối với các khoản chi thấp như chi đầu tư, là do quy trình triển khai thủ tục đầu tư, từ đầu năm, các khoản chi đầu năm thường ở mức thấp, nhưng những tháng cuối năm thì con số thường tăng cao.
Về vấn đề dự toán không sát, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, những tháng đầu năm 2022 còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tăng trưởng thấp, nhưng quý 3/2022 bắt đầu có sự tăng trưởng nhảy vọt, nên đến cuối năm, tăng trưởng đạt 8,02%. Đây là sự nỗ lực lớn trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng GDP, từ đó, thu ngân sách cũng tăng lên.