Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên

Bộ trưởng khẳng định, cơ quan quản lý quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên; những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại Phiên họp sáng 18/3.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại Phiên họp sáng 18/3.

Phải thẳng thắn thừa nhận một số văn bản vẫn còn lỗ hổng

Tranh luận tại Phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 18/3, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, trong các vụ án sai phạm vừa qua, có trách nhiệm của công ty thẩm định giá, thậm chí tiếp tay trong “dìm” giá hoặc nâng giá. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân là thời gian qua, số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá có hiện tượng "tăng nóng", đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Quảng Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, quan điểm cho rằng Bộ Tài chính cấp nhiều giấy phép cho công ty thẩm định giá là chưa hoàn toàn chính xác. Hiện cả nước chỉ mấy trăm công ty thẩm định giá; các thẩm định viên để được cấp chứng chỉ thì phải qua đào tạo, thi rất khắt khe. Trong 3 năm qua chưa khi nào số trúng tuyển vượt qua 33% trong tổng số dự thi.

Bộ trưởng khẳng định, cơ quan quản lý quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên; những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai. “Như vụ SCB, rõ ràng công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đều kiểm toán nhưng đều vi phạm, thì rõ ràng do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do cơ quan quản lý”, Bộ trưởng nêu.

Các đại biểu dự Phiên họp.

Các đại biểu dự Phiên họp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng nêu rõ, phải thẳng thắn thừa nhận một số văn bản vẫn còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ví dụ về giá đất, phương pháp thặng dư trong định giá đất là phương pháp dựa trên giả định suất đầu tư, ước tính. "Giả định có nhiều tham số khác nhau. Tham số khác nhau dẫn đến sai phạm, cơ quan thẩm định giá phải chịu trách nhiệm", Bộ trưởng lý giả.

The Bộ trưởng, áp dụng theo phương pháp thặng dư nếu điều tra thì việc thẩm định giá đều sai. Nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng cũng có một phần do cán bộ cố tình làm sai; nếu làm sai thì cần xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.

Để nâng cao chất lượng thẩm định giá theo phản ánh của đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc thực hiện kiểm tra chéo, siết chặt quản lý, nâng cao tiêu chuẩn là cần thiết. Đây cũng là một trong nhiều nội dung để đảm bảo chất lượng thẩm định giá, đồng thời dự phòng trường hợp các công ty không có chức năng thẩm định giá, nhưng bỏ tiền để trở thành cổ đông chính trong công ty thẩm định giá, biến công ty thẩm định giá thành công cụ, làm mất tính độc lập trong hoạt động thẩm định giá.

Bộ trưởng cho hay, công ty thẩm định giá là công ty kinh doanh có điều kiện, hoạt động trong lĩnh vực có chuyên môn sâu. Muốn thực hiện đúng phải bắt đầu từ chất lượng, năng lực của thẩm định viên, phương tiện, thiết bị của thẩm định viên, phương pháp công tác, đạo đức, phẩm chất của thẩm định viên.

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên cập nhật về mặt công nghệ, hoàn thiện về mặt pháp luật, thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, thi chứng chỉ, thực hiện kiểm tra theo đúng chức năng, vai trò của Bộ.

Kiểm soát chặt chẽ giá, tránh tăng giá ảnh hưởng đời sống Nhân dân

Về giải pháp khi thẩm định giá sai phạm, Bộ trưởng khẳng định, tại Luật Giá năm 2023 đã khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật Giá năm 2012 với nhiều nội dung mới nhằm ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm định giá khống, tình trạng cấu kết của thậm định viên với đối tác để nâng giá...

Về giải pháp đối với giá thiết yếu, Bộ trưởng nêu rõ, năm 2023 chỉ số giá CPI chỉ có 3,25% nhưng nửa đầu quý I/2024 tăng lên đột biến, vì vậy việc kiểm soát cần được chặt chẽ, tránh tăng giá ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Trong nhóm CPI có trên 700 hàng hóa, cần có giải pháp, trong đó can thiệp gián tiếp hoặc trực tiếp. Bộ Tài chính sẽ tham mưu chính sách tài khóa, tiền tệ để hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông. Tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất kinh doanh phát triển để tạo hàng hóa dồi dào.

Bộ trưởng lấy ví dụ về giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương đa dạng nguồn cung xăng dầu và có giải pháp giảm chi phí định mức. Còn với chi phí thuế, Bộ Tài chính cũng có giải pháp tiết giảm để đảm bảo quan hệ cung cầu. Hệ thống cung cấp cũng hạn chế đầu mối trung gian, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý.

Về hình thành cơ sở dữ liệu về giá để thực hiện kê khai giá và quản lý giá, Bộ trưởng thông tin, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã xây dựng dữ liệu về giá và đã cấp 824 tài khoản để khai thác cơ sở dữ liệu giá của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, để xây dựng dữ liệu giá một cách đồng bộ thì công tác thu thập và thống kê, công tác lưu giữ là hết sức quan trọng. Do đó, các sở Tài chính của các tỉnh, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan phải chuyển giá đến Bộ Tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu về giá. Khi có cơ sở dữ liệu giá tốt thì sẽ quản lý giá tốt.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-quan-ly-rat-chat-che-quy-trinh-thi-chung-chi-doi-voi-tham-dinh-vien.html