Bộ trưởng là đại biểu Quốc hội khiến việc điều hành rất khó khăn
Cho ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sáng nay (29-10), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà 'than' việc phân cấp cho địa phương bây giờ rất lớn, nhiều Bộ trưởng không nắm được vấn đề lại bị nhân dân phê bình.
Có thể chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giãi bày: “Tôi nói rất thật, các ĐB như chúng tôi thực tế là do Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý. Từ cơ chế chính sách pháp luật đến khâu tổ chức thực hiện đã phân cấp cho địa phương rất lớn nên hỏi nhiều câu Bộ trưởng không nắm được đâu. Rồi lại bị nhân dân phê bình”.
Theo Bộ trưởng Hà, thực tế dự luật chưa có sự đổi mới, các ĐB là Bộ trưởng, sau này bổ sung Chủ tịch UBND cũng là ĐBQH khiến cho khâu chỉ đạo điều hành rất khó khăn.
“Quốc hội có quyền yêu cầu Bộ trưởng giải trình nhưng nên tiến hành trong các phiên chất vấn chứ đâu phải cứ để Bộ trưởng, Chủ tịch UBND là ĐBQH. Chúng tôi muốn chuyển vai trò này để tăng số ĐB chuyên trách. Tôi nghĩ thế thì thuận hơn” - ông Hà nói.
Vì lẽ đó, người đứng đầu ngành TN-MT góp ý, lần này sửa luật phải làm sao để như các nghị viện trên thế giới, có thể chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào.
“Trách nhiệm giải trình không chỉ Bộ trưởng mà còn cả của Chủ tịch UBND các địa phương. Nếu thay đổi thì cũng là bước thay đổi hoạt động của chúng ta” - ông Hà nhận định và cho rằng, tỷ lệ đại biểu chuyên trách không nên chỉ dừng ở 35% mà có thể lên 50 - 60%, để Quốc hội có vai trò khác đi.
Bộ trưởng Hà nêu thực tế: “Quốc hội một năm họp 2 lần nhưng thực tiễn không chờ Quốc hội họp. Có bộ luật vừa ban hành xong đã phải dừng, có luật 3 năm mới gỡ được, như luật Quy hoạch mất gần 1 năm mới tháo gỡ”. Theo ông Hà, điều này khiến cho việc làm chính sách là để phát triển nhưng thực tế lại kìm hãm sự phát triển.
Bộ trưởng Hà cũng thống nhất với các đại biểu là cần xác định vị trí pháp lý, vai trò của Đoàn ĐBQH, ĐBQH.
“Vị trí ở đây xác định thế nào? Tôi muốn đề cao vị trí của ĐBQH không chỉ hoạt động trên nơi mình được bầu cử, mà tôi còn muốn nhấn mạnh tính đại diện của nhân dân. Ví dụ như chúng tôi là đại biểu Bà Rịa – Vũng Tàu còn đi bảo vệ cho dân Hà Nội” - ông Hà nói.
Nhận xét giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định tỷ lệ đại biểu chuyên trách là “nghe có vẻ có lý” khi cho rằng Luật quy định ĐBQH chuyên trách không thấp hơn 35%, nghĩa là Luật đã cho phép tỷ lệ này cao hơn, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đặt vấn đề: “Tại sao muốn bố trí cao hơn lại không quy định rõ trong luật để tạo hàng lang pháp lý?”.
Quay trở lại thực tiễn hoạt động của Quốc hội, bà Tâm phản ánh, đa phần đại biểu chuyên trách hoạt động có hiệu quả, vì họ có điều kiện về thời gian để nghiên cứu chuyên sâu.
Ở một góc khác, bà Tâm chỉ ra, với thể chế chính trị Việt Nam, với những mối quan hệ ràng buộc của một công chức hiện nay, nếu không phải đại biểu chuyên trách thì đôi khi phát biểu rất khó, phải rất cân nhắc xem có đụng chạm, ảnh hưởng gì không?
“Chỉ ở cơ quan, đơn vị thôi, khi phát biểu đã phải suy tính rồi. Như thế nó đã hạn chế quyền có chính kiến, khả năng có chính kiến và bản lĩnh có chính kiến” – bà Tâm day dứt.
Chất vấn Bộ trưởng, ĐB bị Bí thư tỉnh gọi phê bình “cháy mặt”
Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, khóa trước, bà từng chứng kiến việc một đại biểu Quốc hội địa phương chất vấn Bộ trưởng Công Thương mà ngay sau đó bị Bí thư tỉnh ủy tỉnh gọi điện nói gay gắt, phê bình “cháy mặt”.
Kể câu chuyện đó, bà Nga muốn nói rằng có rất nhiều vấn đề chi phối, ràng buộc khiến công tác giám sát của Quốc hội bị giảm hiệu quả. Mà những chuyện như trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, không phải là hiếm. “Đại biểu rơi vào trường hợp đó đương nhiên rất ấm ức” - bà Nga nói.
Với vị thế của cơ quan dân cử như thế, nên theo bà Nga, nhiều cán bộ không mặn mà với việc công tác ở Quốc hội. Ngay tại Ủy ban Tư pháp, nữ Chủ nhiệm cho biết từng rất khó để chọn được nhân sự tham gia thường trực UB. Thậm chí nhiều cán bộ ở các Bộ, ngành khác về làm Phó Chủ nhiệm UB (tương đương Thứ trưởng) mà cũng không muốn, cũng “tâm tư một thời gian dài mới hòa nhập được với công việc”.
“Công văn UBTP gửi đi các cơ quan “xin người” thì hoặc là nhân sự được nhắm tới không chịu đi, không thì cơ quan đó cũng giữ người tốt, không cho lấy mà chỉ người “có vấn đề” mới giới thiệu cho các cơ quan của Quốc hội” – bà Nga than thở.
Cũng bàn về Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm, không cần thiết có tới 40 Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc và các UB vì nếu tính là 40 nhân sự cấp phó như vậy thì nghĩa là mỗi Ủy ban cũng có tới 4 Phó.
“Không cần số lượng cấp phó đến như vậy, làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban 3 khóa rồi, tôi biết. Chỉ cần mỗi Ủy ban tối đa 3 Phó Chủ nhiệm cũng là nhiều rồi vì mỗi Ủy ban rất bé, số ủy viên thường trực cũng chỉ 7 - 9 người, muốn nhận thêm người về có được đâu” – ông Lợi nói.
Mặt khác, theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi, “đừng nghĩ thêm cơ cấu cấp Phó thì sẽ thu hút thêm người mà người ta không muốn về Quốc hội ấy. Nếu chỉ suy nghĩ về lợi ích thì chúng tôi cũng từng nhủ, nếu biết như thế này thì ngày xưa không về Quốc hội làm”.