Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bán câu chuyện tạo ra nông sản, giá trị thu về sẽ gấp nhiều lần
Thế giới không đứng yên như chúng ta nghĩ, giờ người ta mua cách tạo ra sản phẩm, mua câu chuyện tạo ra sản phẩm của người nông dân, của ngành hàng. Điều này đòi hỏi, ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng xanh, bền vững.
Trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về trăn trở của ông đối với tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam.
Thưa Bộ trưởng, 2023 khép lại với câu chuyện về nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp, trong đó phải kể tới những kỷ lục về xuất khẩu gạo hay sầu riêng, nhưng đâu đó cũng còn nhiều nỗi lo? Bộ trưởng có cảm nhận thế nào về một năm đã qua?
Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, giá cả đầu ra luôn là cái mà chúng ta không quyết định được, bởi quy luật cung cầu. Chúng ta bán sầu riêng sang Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng bán; chúng ta bán xoài sang Nhật thì các nước khác cũng bán. Nhưng có một cái mà chúng ta quyết định được là giảm chi phí đầu vào, kéo giảm đầu vào một đồng, tức là thu nhập tăng thêm một đồng.
Muốn giảm chi phí, giảm rủi ro về giá đầu ra thì chúng ta phải có tư duy hợp tác. Bà con nông dân cần vào HTX để mua chung nguyên vật tư đầu vào. Nhìn thực tế, chúng ta đều thấy rằng, rủi ro về giá hầu hết là người nông dân không vào HTX, không tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ…
Do vậy, khi chúng ta nhìn ra cấu trúc ngành hàng, thì cần nhìn ra trên một đơn vị diện tích sẽ tăng bao nhiêu giá trị, chứ đừng nghĩ rằng hạt gạo hôm nay giá bao nhiêu.
Tôi nói với bà con nông dân Đồng Tháp rằng, giá lúa lên đến một mức nào đó cũng sẽ dừng, vậy chừng nào người nông dân biết cách phát triển trên một đơn vị diện tích này có thể trồng thêm cây này, nuôi thêm vật kia.
Vừa qua, tôi đi Tứ Kỳ (Hải Dương) thấy rằng họ đạt doanh thu 500 – 700 triệu đồng/ha lúa, gấp nhiều lần Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng ai cũng biết rằng họ không chỉ bán lúa mà còn bán con rươi. Hay mô hình lúa tôm Bạc Liêu cũng vậy, không những thu hoạch lúa mà còn có tôm, và đặc biệt ở Mù Cang Chải (Yên Bái), nông dân trồng những cánh đồng lúa để phát triển du lịch. Đó mới là hướng đi bền vững, chứ không chỉ cảm xúc giá cả là nay giá lúa bao nhiêu…
Tương tự với câu chuyện sầu riêng, tôi nghe lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk kể rằng vừa qua có dẫn mấy HTX qua Thái Lan học tập, tham quan mô hình của họ. Sau chuyến đi thấy rằng, sầu riêng Việt Nam không thua sầu riêng Thái về hương vị hay độ ngon, mà thua vì cấu trúc ngành hàng của mình còn mạnh ai nấy làm. Thái Lan có HTX, doanh nghiệp mạnh tạo ra hiệu ứng truyền thông để phát triển cả ngành hàng, được nhiều người tiêu dùng thế giới biết tới.
Theo Bộ trưởng, nông dân Việt Nam cần phải chuyển đổi tư duy thế nào để thích ứng trong bối cảnh hiện nay?
Tôi muốn nói sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn không của riêng ai, mỗi người đều có trách nhiệm để đóng góp vào sự nghiệp này theo đúng Nghị quyết của Đảng. Một câu mà tôi hay nói: “Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi, sẽ còn khó khăn hơn nữa. Chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá để thay đổi, nhưng lại thiếu cân nhắc về cái giá phải trả nếu chúng ta không thay đổi”.
Thế giới giờ không đứng yên, người ta mua cách tạo ra sản phẩm, mua câu chuyện tạo ra sản phẩm của người dân, của một ngành hàng, một đất nước, như rượu vang Bordeaux – bán được giá cao vì người ta có thương hiệu. Thực tế, châu Âu đã không mua con cá nếu đánh bắt vi phạm IUU, đó là minh chính rằng người ta đã chuyển sang mua cách tạo ra sản phẩm.
Trong khi đó, chúng ta vẫn còn tư duy rằng nông sản của mình là ngon, nhưng thực tế ngon không phải là yếu tố quyết định mà chỉ là điều kiện cần bởi văn hóa, khẩu vị tiêu dùng của mỗi quốc gia khác nhau.
Ai cũng bảo hàng của mình ngon, nhiều khi đẩy lên một cực rồi không hợp tác với nhau. Giờ tất cả cần liên kết thành ngành hàng, không phải sản phẩm là nhất mà phải tạo ra sản phẩm khác biệt.
Rõ ràng, xu thế xanh hóa gắn với phát triển nông nghiệp tuần hoàn là không thể đảo ngược. Bộ trưởng có chia sẻ gì về câu chuyện này?
Chúng ta nói nhiều nhưng cần tường minh khái niệm kinh tế xanh là thế nào. Chữ xanh đi sau chữ nâu – trước đây vì sự phát triển mà làm biến dạng môi trường. Có lúc chúng ta nghĩ muốn tăng trưởng thì phải hy sinh một trường nhưng giờ khi áp dụng khoa học công nghệ vào thì vừa có thể tăng trưởng mà vẫn đảm bảo môi trường.
Điều này đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam cần thích ứng với xu thế thay đổi, xu hướng xanh hóa với toàn cầu. Đây là xu thế không đảo ngược và chúng ta cũng đừng mong trở lại ngày xưa. Muốn phát triển kinh tế xanh thì phải đẩy mạnh giáo dục về điều này ngay từ trong trường học. Chúng ta cần làm sâu sắc, lan tỏa tư duy kinh tế xanh, tức trên một đơn vị diện tích đó, thậm chí diện tích thu hẹp lại nhưng tạo hơn nhiều giá trị. Sau đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xanh mới đi theo.
Trước thềm năm mới, Bộ trưởng có điều gì muốn nhắn nhủ tới bà con nông dân?
Kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp cần phải có tầm nhìn dài hạn 5, 10 năm. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những gì đang làm tốt thì tiếp tục làm tốt, liên kết chuỗi ngành hàng bền vững từ tổ chức sản xuất, thị trường, ứng dụng KHCN cao hơn. Tuy nhiên, có những con số có thể đo đếm bằng số liệu, nhưng có những cái không thể hiện được bằng con số mà đó là giá trị, là động tăng trưởng cho giai đoạn tới..
Về phần người nông dân, tôi mong rằng hãy chuyển đổi tư duy sản xuất, đảm bảo chất lượng đồng đều. Nhiều khi mở được một ngành hàng rau quả chúng tôi mừng lắm nhưng bắt đầu lo rằng, họ mở cho mình thì mình cũng phải mở cửa cho nông sản của họ, trong khi của người ta thì chất lượng hơn mình, điều này có thể khiến nông sản Việt thua trên sân nhà.
Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình nhiều năm, khi người tiêu dùng có niềm tin rồi thì người ta mới mua. Chúng ta nói nhiều về gạo ST25 nhưng thực tế đây mới là nhãn hiệu, chứ chưa phải là thương hiệu. Làm sao để thương hiệu ăn sâu vào niềm tin người tiêu dùng thì khi đó mới thành công.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Lê Thúy thực hiện