Bộ trưởng Lê Thành Long: Tư pháp Trà Vinh cần quyết liệt giải quyết vấn đề Quốc tịch, Hộ tịch
Sáng ngày 19/6, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trần Văn Phong, Giám đốc Sở Tư pháp; các Phó Giám đốc. Đại diện Hội Luật gia; Đoàn Luật sư tỉnh; cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố.
Trình này với Đoàn công tác về tình hình hoạt động Tư pháp địa phương, ông Trần Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trà Vinh cho biết, thời gian qua, ngành Tư pháp tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ và đầy đủ khối công việc chuyên môn được giao phó. Tỉnh đã tập trung củng cố kiện toàn Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, huyện.
Từ đó, đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh, tổ chức gần 10.000 cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 390.000 lượt người tham dự. Đồng thời, tổ chức 8 phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền pháp luật thu hút hơn 1.400 lượt học sinh, giáo viên và người dân.
Ngoài ra, phát hành 3.600 quyển tài liệu tuyên truyền đến các Sở, ban ngành, đoàn thể, huyện, xã, các điểm chùa Khmer trên địa bàn tỉnh. Để nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn, Sở đã phối hợp với Học viện Tư pháp mở lớp đào tạo nghề công chứng cho gần 60 học viên. Đây là nguồn lớn để bổ sung công chứng viên cho tỉnh.
Song song đó, Sở cũng đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp. Tổ chức triển khai giải pháp “Kiềng ba chân” trong công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tịch hành chính từ 10 ngày xuống còn 5 ngày làm việc và từ đó kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt hiệu quả cao.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Sở, Phòng tư pháp và các đơn vị chuyên môn cũng còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhân buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã lắng nghe và lý giải cụ thể những vấn đề địa phương chưa hiểu rõ, triển khai chưa hiệu quả. Qua đó, hướng dẫn tháo gỡ những bất cập mà cán bộ tư pháp các cấp đặt ra.
Nói về câu chuyện số người từ Campuchia về Việt Nam sinh sống mà Trà Vinh đang “vướng”, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cho biết: Thông thường người di cư tự do về Việt Nam thì công an cấp xã, khu vực sẽ lấy thông tin lưu trữ lại. Qua khảo sát ở 10 tỉnh, cho thấy công an các xã, phường đã có danh sách thống kê cụ thể về vấn đề này.
Theo ông Khanh, cần phân tích, phân loại, xác minh kỹ lưỡng và ứng xử cho phù hợp. “Đối với 8 trẻ em sinh ra tại Việt Nam có bố mẹ là người không quốc tịch hoặc không rõ là ai thì trẻ em đó có Quốc tịch Việt Nam. Còn trường hợp 84 người có nơi sinh ở Việt Nam mà chủ yếu là Trà Vinh, đề nghị Sở trao đổi với phía Công an tỉnh để chỉ đạo công an cấp huyện rà soát các trường hợp này xem trước khi sang Campuchia họ đăng ký hộ tịch như thế nào. Đồng thời, xem ông bà, cha mẹ có còn “gốc gác“ ở Việt Nam hay không.
Nếu có thì công nhận quốc tịch cho họ, còn không có giấy tờ gì cả, kiểm tra cũng thấy gốc gác ông bà ở đây thì đưa vào đối tượng giải quyết theo “tiểu đề án 2”. Tiểu đề án này bao gồm các đối tượng sinh ra ở Campuchia nhưng nói tiếng Việt và không có giấy tờ. “Trường hợp này sau khi có ý kiến nhất trí của Thủ tướng sẽ thực hiện cấp thẻ thường trú cho họ”, ông Khanh thông tin.
Đối với khai sinh trẻ em sinh ra ở Campuchia nhưng sinh sống ở Việt Nam, theo ông Khanh, cho phép đăng ký khai sinh nhưng không có cơ sở xem xét công nhận quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, tạm thời để trống cột “Quốc tịch”.
Tại buổi làm việc, ông Hồ Quang Huy, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp đề nghị: “Sở cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng biểu mẫu, sổ hộ tịch.
Nhằm khắc phục bất cập, vướng mắc, cũng như tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và kịp thời phục vụ người dân, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ đã có Công văn gửi UBND các tỉnh về việc bố trí kinh phí, tập trung mua các loại biểu mẫu, sổ hộ tịch bắt buộc. Nhiều địa phương đã thực hiện và thu được nhiều hiệu quả, rất mong Sở quan tâm, tham mưu với UBND tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận những thành tích Sở đã đạt được. Đồng thời, nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp Sở đã đề ra trong thời gian tới.
“Qua những vấn đề địa phương đặt ra và các đơn vị thuộc Bộ trả lời cho thấy một số trường hợp chưa phối hợp chặt chẽ xử lý ngay từ đầu nên gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc”, Bộ trưởng lưu ý.
Liên quan đến các vấn đề Hộ tịch, Quốc tịch Bộ trưởng đề nghị Sở cần chủ động hơn trong công tác và làm việc với phía công an và các đơn vị liên quan để có hướng giải quyết triệt để. “Nếu cần Bộ sẽ cử đoàn công tác xuống làm việc với Sở về vấn đề này”, Bộ trưởng nói.