Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Biên chế là vấn đề 'nan giải' của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về biên chế của giáo dục, đặc biệt đối với mầm non cho đến phổ thông; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, đây là vấn đề nan giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và bày tỏ thông cảm với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Trong chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn (6/11), đại biểu Cao Thị Giang (đoàn Quảng Bình) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế trong ngành giáo dục. Đây là nội dung được các cán bộ, công nhân viên, giáo viên của ngành giáo dục hết sức quan tâm.

Đại biểu cho biết, việc tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính sự nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế chưa tính kỹ đến đặc thù của ngành giáo dục, dẫn đến có nơi thừa, nơi thiếu giáo viên. Về tổng thể là thiếu giáo viên.

“Xin Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ có những giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới”, đại biểu đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn của đại biểu Cao Thị Giang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân bày tỏ: “Nói về biên chế của giáo dục, đặc biệt đối với mầm non cho đến phổ thông. Đây là vấn đề nan giải của Bộ GD&ĐT, tôi rất cảm thông với đồng chí Bộ trưởng”.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong nhiều lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải có phương án tổ chức, sắp xếp lại ngay hệ thống giáo dục, xây dựng lại định mức học sinh trên lớp ở từng vùng miền cho phù hợp bởi nếu không tình trạng biên chế thế này sẽ khó giải quyết được.

Ông Lê Vĩnh Tân cho biết, để giải quyết những bất cập, trong năm 2019 và năm 2020, Bộ Nội vụ đã 2 lần trình Chính phủ bổ sung cho 14 tỉnh có dân cư tập trung ở các khu công nghiệp và 5 tỉnh Tây Nguyên, với tổng số là 20.300 biên chế cho giáo dục và y tế.

Riêng năm 2020, Bộ Nội vụ tiếp tục cho thực hiện chủ trương chuyển những người hợp đồng làm việc trong các cơ sở mầm non bán công chưa chuyển thành viên chức và đối với những người hợp đồng làm ở các cơ sở y tế của xã, thành viên chức y tế. Cùng với đó, tiếp tục cho các địa phương chuyển 20.893 người.

Như vậy, tổng biên chế trong 2 năm vừa qua đối với ngành giáo dục, y tế tăng thêm hơn 41.000 người.

“Điều này đã được Bộ Chính trị đồng ý cho cộng vào biên chế năm 2015 để tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo cải cách hành chính và để thực hiện chủ trương là có học sinh là phải có giáo viên đứng lớp và có người bệnh là có người chăm sóc. Bộ Nội vụ đã gửi và yêu cầu đề nghị 63 tỉnh, thành gửi báo cáo thực sự về nhu cầu cần thiết đối với ngành giáo dục”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Đại biểu Cao Thị Giang (đoàn Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ông Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, đến ngày 30/6/2020, theo báo cáo của các tỉnh đã có 1.066.228 giáo viên trên tổng biên chế đã được Bộ Nội vụ thẩm định là 1.115.222 người. Số biên chế hiện nay Bộ Nội vụ thẩm định thì các địa phương chưa sử dụng hết, số còn lại là 48.993.

“Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thừa thiếu”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Thông tin chi tiết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Theo báo cáo của các địa phương thì nhu cầu của năm học 2020-2021 là 1.199.598 người, cần phải bổ sung thêm là 84.377 người. Bây giờ, bổ sung thêm 84.377 là do hiện tượng thừa thiếu.

Tuy vậy, biên chế của giáo viên nếu so với định mức thì ở nông thôn và miền núi thì thừa 95.366 giáo viên. Nhưng đối với những đơn vị tập trung các khu công nghiệp thì lại thiếu 71.441 giáo viên. “Tức là ở nông thôn thì số học sinh lên lớp quá ít, nhưng ở thành phố thì quá nhiều. Do vậy, thừa thiếu như thế”, ông Lê Vĩnh Tân nói.

Nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra là, do quá trình lập kế hoạch chưa chính xác của các địa phương, cứ lấy kế hoạch năm trước đề nghị cho năm sau mà không khảo sát thực tế về nhu cầu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trên cơ sở này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết đã xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục trình Chính phủ.

Bộ Nội vụ đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là nơi nào thừa thì cắt, nơi nào thiếu thì bổ sung. Nếu tính theo phương án này thì ưu điểm là chúng ta giải quyết được tình trạng thừa, thiếu và không tăng biên chế. Nhược điểm của phương án này thì rất khó, trong khi thực hiện tinh giản biên chế 23.892 người ngay trong năm học 2020-2021, không làm được vấn đề này, rất khó.

Về phương án 2 là, chỉ bổ sung biên chế nơi thiếu so với định mức biên chế bổ sung bằng cách giải quyết sự chênh lệch giữa biên chế được duyệt và số biên chế còn lại.

“Như vậy năm 2021 này cần bổ sung 34.207 biên chế. Xin báo cáo Quốc hội, đây là con số quá lớn. Nếu giải quyết theo nhu cầu của địa phương thì như thế”, Bộ trưởng phát biểu.

Theo ông Lê Vĩnh Tân, ưu điểm của phương án 2 này là không xáo trộn lớn, nhưng biên chế tăng hơn 34.000 và nhược điểm là không thực hiện được tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, ông mong sớm nhận được ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm trình Chính phủ giải quyết về vấn đề biên chế cho giáo viên trong thời gian tới.

Theo tôi, giải pháp sắp tới là chúng ta phải tổ chức sắp xếp hệ thống giáo dục, phải xây dựng lại định mức và đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì mới giảm được những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và giảm áp lực biên chế, chúng ta dành biên chế đó cho y tế cơ sở và mầm non cho đến phổ thông ở các địa phương”, Bộ trưởng nêu ý kiến.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-le-vinh-tan-bien-che-la-van-de-nan-giai-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-post104535.html