Bộ trưởng Năng lượng Bỉ: EU đối mặt với thập kỷ mùa đông 'khủng khiếp'
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giới hạn giá khí đốt ngay lập tức để tránh những mùa đông 'khủng khiếp' thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten, Liên minh châu Âu (EU) có thể phải hứng chịu những mùa đông “khủng khiếp” trong những năm tới nếu các nhà lãnh đạo của liên minh không thực hiện ngay các bước đi nhằm áp đặt trần giá khí đốt.
"5 đến 10 mùa đông tới sẽ rất kinh khủng nếu không làm gì. Chúng ta phải hành động tại nguồn, ở cấp độ châu Âu, và làm việc để đóng băng giá khí đốt", Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten nói.
Theo Bộ trưởng Van der Straeten, việc áp đặt giới hạn giá có thể giúp cắt giảm 770 euro trên mỗi hóa đơn năng lượng.
“Thị trường năng lượng châu Âu đang thất bại và cần phải cải cách khẩn cấp. Điện được sản xuất rẻ như năm ngoái nhưng bán với giá kỷ lục. Thời gian nói chuyện đã qua, bây giờ là lúc quyết định”, Bộ trưởng Van der Straeten nhấn mạnh.
Cảnh báo của Bộ trưởng Năng lượng Bỉ được đưa ra khi các nhà lãnh đạo EU lên kế hoạch can thiệp khẩn cấp để đối phó tình trạng hóa đơn năng lượng tăng vọt đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn EU.
Hôm 29/8, giới chứng châu Âu cho biết EU đang chuẩn bị hành động khẩn cấp để cải cách thị trường điện và kiểm soát giá năng lượng vốn đã tăng vọt kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo kế hoạch dự kiến, Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU sẽ họp khẩn cấp tại Brussels vào ngày 9/9 tới.
Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa công bố kế hoạch chi tiết về cải cách thị trường năng lượng, nhưng một số quốc gia thành viên đang thúc đẩy áp đặt mức trần tạm thời đối với giá bán buôn khí đốt.
Ngoài ra, EU cũng đang xem xét các biện pháp tách giá điện với giá khí đốt và tính đến các nguồn năng lượng khác.
EU phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Trước bối cảnh dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu giảm, các quốc gia EU nhất trí giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt để đảm bảo dự trữ cho mùa đông. Mỹ cũng đã đồng ý cung cấp cho châu Âu 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay.