Bộ trưởng Ngoại giao tiếp xúc song phương với quan chức một số nước
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước Belarus, Estonia, Hungary và Iraq nhân dịp dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ngày 21/9, nhân dịp tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Belarus, Estonia, Hungary và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Sergei Aleinik, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt với Belarus, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Belarus cho Việt Nam trong ứng phó đại dịch COVID-19.
Hai bên nhất trí tăng cường các cơ chế tham vấn chính trị để đẩy mạnh hợp tác, tích cực chuẩn bị cho các hoạt động trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn cấp cao trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng Việt Nam và Belarus cần phối hợp chặt chẽ để khai thác tốt hơn các lợi thế, tiềm năng của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Sergei Aleinik khẳng định Belarus đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn hai bên cùng thúc đẩy những biện pháp toàn diện, hiệu quả nhằm tăng cường trao đổi thương mại, mở cửa thị trường cho các mặt hàng thế mạnh của nhau, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như giáo dục đào tạo, lao động, nông nghiệp.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto, hai bên đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế-thương mại, trong bối cảnh kỷ niệm 5 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn Hungary đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký Hiệp định Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và là quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA).
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto khẳng định Hungary luôn đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt ở Hungary, ủng hộ việc Hội đồng châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Hai bên sẽ tích cực phối hợp chuẩn bị cho các hoạt động trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn cấp cao trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, cùng trao đổi về một số vấn đề quốc tế, khu vực quan tâm.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna, hai bên khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam-Estonia, đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ hai nước thời gian qua.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Estonia đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định EVFTA và là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Estonia có tiếng nói thúc đẩy Hội đồng châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số, chuyển đổi xanh, giao thông vận tải.
Gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Mohamed Hussein, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq bày tỏ vui mừng về sự phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước, nhất là trong bối cảnh kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Iraq.
Bộ trưởng đề xuất hai bên tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như phát triển thị trường Halal.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Mohamed Hussein bày tỏ ngưỡng mộ trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những thập kỷ qua.
Hai bên cùng nhất trí thúc đẩy việc sớm hoàn tất các thủ tục mở lại Đại sứ quán Iraq tại Hà Nội và sớm tổ chức phiên họp tiếp theo của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, tạo dấu mốc mới để thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế giữa hai nước./.