Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng 'bàn kế hoạch tương lai' với Lai Châu
Không đơn thuần là thúc phát triển kinh tế - xã hội 2020, bàn kế hoạch 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn muốn bàn về các kế hoạch phát triển dài hơi hơn của tỉnh Lai Châu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu.
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 16/9/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tới điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình công tác của mình: tỉnh Lai Châu.
Chia sẻ với Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ, Bộ trưởng bày tỏ sự bất ngờ trước sự thay đổi nhanh chóng của Lai Châu trong vòng 10 năm qua.
Quả thật, nhìn những con đường rộng thênh thang, phố xá được quy hoạch quy củ, đặc biệt là trục đường chính của TP. Lai Châu (thủ phủ tỉnh Lai Châu), với tòa nhà liên cơ to đẹp và hiện đại, các khách sạn 4-5 sao sang trọng không kém bất cứ thành phố nào, mới thấy hết sự thay đổi của Lai Châu, một tỉnh miền núi nghèo của cả nước.
“Thu ngân sách của tỉnh từ 24 tỷ đồng khi bắt đầu chia tách tỉnh (năm 2004) đã tăng lên 2.200 tỷ đồng vào năm ngoái. Thu nhập người dân tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm”, Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ hồ hởi “khoe” như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng 200 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo tỉnh Lai Châu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng rất ấn tượng trước những thành tựu mà Lai Châu đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong duy trì tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh, trật tự nơi biên giới…
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Bộ trưởng cho rằng, kinh tế - xã hội Lai Châu vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hạ tầng khó, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn kém, công nghiệp chủ yếu dựa vào thủy điện, không thu hút được đầu tư, nhất là dự án đầu tư nước ngoài…
“Nói thế để chúng ta cùng nhau suy nghĩ xem, làm sao để Lai Châu phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng để Lai Châu, cũng như cả nước, đánh giá lại những gì đã làm được và chưa làm được, để chuẩn bị cho chiến lược, cho kế hoạch phát triển giai đoạn tới.
“Chuyến công tác của chúng tôi tới Lai Châu lần này không phải chỉ để xem xét trong 8 tháng qua, Lai Châu đã làm được những gì, những tháng còn lại phải nỗ lực ra sao, mà quan trọng là cùng bàn kế hoạch tương lai của Lai Châu, xem chúng tôi có thể giúp gì hay không?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn.
Bộ trưởng cũng cho biết, ông rất sốt suột khi thấy Lai Châu không đề xuất kế hoạch gì mang tính chiến lược, động lực, giúp xoay chuyển tình thế.
“Đã đến lúc, phải chủ động dựa vào tiềm năng, lợi thế, hoạch định đường đi và quyết định tương lai của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, Lai Châu đã đặt mục tiêu khá cụ thể cho giai đoạn tới. Chẳng hạn, tăng trưởng GRDP 9-10%/năm, đến năm 2025, GRDP/người đạt khoảng 65 triệu đồng. Trong đó, riêng năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7%, GRDP bình quân đầu người 45 triệu đồng…
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Trần Tiến Dũng cho biết, nhu cầu của Lai Châu đối với vốn đầu tư từ ngân sách trong 5 năm tới 21.935 tỷ đồng, riêng năm 2021 là 3.187 tỷ đồng.
“Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên”, ông Trần Tiến Dũng nói.
Hiện tại, Lai Châu đang gặp nhiều khó khăn trong kết nối với Lào Cai, với Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, khi chỉ có tuyến đường 4D với địa hình đồi núi, độ dốc lớn và nhiều khúc cua, đặc biệt còn phải qua khu vực đỉnh đèo Hoàng Liên/Ô Quý Hồ…
“Đây là điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu”, ông Trần Tiến Dũng nói.
Vì thế trong đề xuất kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới, Lai Châu muốn xây dựng hầm đường bộ dưới chân đèo Hoàng Liên/Ô Quý Hồ để kết nối huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) với thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai). Đây là cách để Lai Châu rút ngắn khoảng cách với các địa phương khác, đồng thời tạo thuận lợi trong giao thương hàng hóa, phát triển du lịch.
Đề xuất táo bạo này nhận được sự đánh giá cao của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ông nhấn mạnh: phải quan tâm triển khai thực hiện, để tận dụng cơ hội, rút ngắn khoảng cách, qua đó phát triển kinh tế - xã hội.
Một đề xuất khác của tỉnh Lai Châu cũng nhận được sự đánh giá cao của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là phát triển, khai thác tiềm năng cửa khẩu quốc tế Mu Lù Thàng.
Cửa khẩu này hồi tháng 5/2020 đã được Thủ tướng Chính phủ nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế. Ở phía bên kia, Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển cửa khẩu Kim Thủy Hà.
Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một khi cặp cửa khẩu quốc tế Mu Lù Thàng/Kim Thủy Hà phát triển, sẽ tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa không chỉ của Lai Châu với Trung Quốc, mà còn của các địa phương lân cận và cả nước.
“Tiềm năng thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Chúng ta phải biết tận dụng cơ hội này”, Bộ trưởng nói.
Đồng tình với các định hướng chiến lược của Lai Châu trong phát triển nông nghiệp, du lịch… để phát huy tiềm năng, lợi thế, Bộ trưởng nói, đã đến lúc phải “nghĩ lớn, làm lớn”, thay đổi tư duy mạnh mẽ, chứ không cái “nghèo” sẽ đeo đẳng mãi.
“Nhiều năm qua, chúng ta đặt mục tiêu ổn định để phát triển, nhưng giờ đã ổn định rồi, phải tính đến phát triển để duy trì ổn định. Chỉ như vậy mới có thể phát triển mạnh mẽ, bứt phá được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư. Ủng hộ đề xuất này, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, để thu hút được đầu tư, Lai Châu cần chuẩn bị tốt về quỹ đất, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Bộ trưởng, chỉ có như vậy, Lai Châu mới thu hút được các dự án lớn, có tính động lực để dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Lai Châu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao tặng Quỹ Vì người nghèo tỉnh Lai Châu 200 triệu đồng, và trao tặng 5 máy lọc nước cho các vùng khó khăn của tỉnh.