Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: NIC phải là biểu tượng của tinh thần đổi mới sáng tạo Việt Nam!
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) phải là biểu tượng của tinh thần đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam là đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ hàng đầu
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 diễn ra vào ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã điểm lại những thành tựu mà NIC đã đạt được trong 5 năm xây dựng và phát triển.
Theo đó, bên cạnh phát huy vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua việc đã hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, trọng tâm là trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã đưa NIC nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành các đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như: SK Hàn Quốc, Google, NVIDIA, Meta, Samsung…
Cùng với đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã hỗ trợ công đồng doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận toàn diện với trình độ chuyên môn và chất lượng cao các nguồn lực về tài chính, đầu tư, truyền thông, công nghệ, chuyển đổi số. Hỗ trợ ươm tạo hơn 1.000 startups, kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chủ động triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với nhiều đối tác bán dẫn hàng đầu thế giới như: Qorvo, ARM, Marvell, Cadence, Synosyps, NVIDIA, Siemens...
Đặc biệt, NIC là đầu mối chủ trì Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đào tạo 1.300 giảng viên và 50.000 kỹ sư trong ngành bán dẫn, đồng thời xây dựng 4 Phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và 18 Phòng thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn… góp phần đưa Việt Nam liên tục thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong nhiều năm qua. Năm 2024, Việt Nam ở vị trí thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo của Quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị của đổi mới sáng tạo ra cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đúng theo định hướng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phải là nơi hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam”.
NIC sẽ là biểu tượng của tinh thần đổi mới sáng tạo Việt Nam
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng, trong thời gian tới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ không chỉ là nơi kết nối các nguồn lực, mà còn là biểu tượng của tinh thần đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 nhằm xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Tuy nhiên, để đạt được định hướng trên, đồng thời thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tập trung vào 3 yếu tố. Trong đó, trước hết, Việt Nam phải hình thành cơ chế chính sách cho đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, làm sao vận hành tốt nhất theo chuẩn quốc tế.
Thứ hai, cần có cơ sở vật chất phải hoàn chỉnh, các trung tâm nghiên cứu, phòng lab, khu nhà ở cho chuyên gia.
“Hiện nay trên Khu công nghệ cao Hòa Lạc rất thiếu cơ sở vật chất, nếu không có các cơ sở thì làm sao giữ chân chuyên gia? Người ta không lên, không ở lại thì không thu hút được lực lượng trong nước và nước ngoài” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Thứ ba là nhanh chóng hình thành 9 ngành công nghệ tại NIC cơ sở Hòa Lạc, trong đó có sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, bán dẫn, hydrogen… Thực tế, những lĩnh vực này đang được NIC đẩy mạnh, trong đó mạnh nhất là bán dẫn thông qua việc mở các trung tâm nghiên cứu, đào tạo.
Được biết, sắp tới, NIC còn được giao một nhiệm vụ quan trọng là quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Đây là mục tiêu rất tham vọng, chiến lược: từ nay đến 2050 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, cung cấp cho thị trường Việt Nam và có thể là nước ngoài.
Để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, bên cạnh cơ chế chính sách là vấn đề nhân sự, con người. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có nguồn lực rất mạnh là con người, nếu được tập trung đào tạo bài bản, Việt Nam sẽ nhanh chóng vươn lên, chiếm lĩnh trong chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn.