Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, sáng 19/12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản từ ngày 18 đến ngày 22/12, sáng ngày 19/12 (theo giờ Nhật Bản), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024.
Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, các lãnh đạo và các chuyên gia đến từ cả hai quốc gia trao đổi, học hỏi và khám phá những cơ hội hợp tác mới.
Cùng tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...
Phát biểu chủ trì tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời cảm ơn và đánh giá cao Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm ASEAN - Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết, trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2009, nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới năm 2023.
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 dự kiến đạt hơn 46 tỷ USD, chiếm 6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Việt Nam rất vui mừng được chứng kiến về sự phát triển mạnh mẽ của Nhật Bản và nhiệt liệt chúc mừng các bạn đã và đang khẳng định được vị thế, tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, khi được đánh giá là một trong những nền kinh tế ổn định và phát triển bậc nhất thế giới; là trung tâm đổi mới sáng tạo với trình độ khoa học kỹ thuật cao.
Nhật Bản còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, trong đó có năng lượng hạt nhân với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh.
Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động nhất khu vực và thế giới, với quy mô GDP khoảng 500 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN và thứ 32 thế giới.
Về ngoại thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD và đang là thành viên đầy đủ của 18 Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.
Về thu hút đầu tự nước ngoài, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và trở thành một trong những điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp với sự hiện diện của trên 41.300 dự án, tổng vốn đăng ký gần 500 tỷ USD đến từ 111 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với kết quả đó, Việt Nam được Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển năm 2022 đưa vào danh sách 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
“Những thành tựu đạt được, nêu trên của 2 nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản là đáng ghi nhận và tự hào” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao, song nhìn nhận từ thực tế, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, cả hai nền kinh tế Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; đòi hỏi những nền kinh tế mở, hội nhập sâu như Việt Nam và Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng để cùng ứng phó và nâng cao sức chống chịu của mỗi nền kinh tế.
“Với Việt Nam, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi không chỉ hướng tới mục tiêu gia gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn chú trọng đến việc xây dựng một nền sản xuất vật chất, nền công nghiệp xanh, sạch và bền vững” - Bộ trưởng thông tin và cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Tại COP28 diễn ra vào tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động các nguồn lực để thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG), trong đó Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng.
Với sự hỗ trợ của các đối tác, Việt Nam đang đẩy mạnh các nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp và năng lượng; đồng thời tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hướng tới mục tiêu Net Zero.
Với thế mạnh về nguồn vốn, công nghệ cao và trình độ quản trị hiện đại, Việt Nam hi vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là các dự án công nghệ cao trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như: Công nghiệp bán dẫn, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, vật liệu mới và năng lượng mới (bao gồm: năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng điện hạt nhân...).
Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để hỗ trợ pháp lý và làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước để triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai. Việt Nam cam kết sẽ luôn chia sẻ, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật và tương xứng với mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước để giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam. Bởi thành công của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam.
Chiều ngược lại, Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan chức năng của Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh ở đất nước phù tang tươi đẹp.
Trước khi Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi gặp gỡ Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...
Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...
Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...