Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 'Ngành Công Thương đã làm được nhiều việc hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19'

Năm 2021, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa của hàng vạn doanh nghiệp (DN).

Bộ Công Thương là một trong những bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, gỡ khó nhất cho cộng đồng DN. Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên xung quanh những giải pháp này cũng như hướng hỗ trợ DN trong năm 2022.

+ Năm 2021, các doanh nghiệp rất khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, khiến cho thị trường một số nơi nhiều lúc bị thiếu hàng, giá cả tăng nhanh, gây khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã xử lý vấn đề này thế nào?

+ Năm 2021, các doanh nghiệp rất khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa, khiến cho thị trường một số nơi nhiều lúc bị thiếu hàng, giá cả tăng nhanh, gây khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã xử lý vấn đề này thế nào?

- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thời điểm cuối năm 2020 và năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhanh trên diện rộng, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg. Phải nói rằng, trong quá trình áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản trái với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, gây ách tắc trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trước tình hình đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Giao thông vận tải là đầu mối, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xử lý, giải quyết và hướng dẫn các địa phương bảo đảm về vận chuyển, lưu thông hàng hóa; Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xử lý và hướng dẫn các địa phương bảo đảm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (xét nghiệm, tiêm vắc-xin…).

Tuy nhiên qua theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động lưu thông phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân cũng như nguyên, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất công - nông nghiệp, trước tình trạng một số tỉnh, thành phố chưa thực hiện triệt để, vẫn còn quy định trái với Chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã triển khai, thực hiện một loạt các biện pháp để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn cho các DN bị tác động bởi một số biện pháp chưa phù hợp ở các địa phương này.

+ Cụ thể là về phía Bộ Công Thương, trong những thời điểm DN rất khó khăn trong việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa, bị đứt đoạn nguồn cung ứng cho sản xuất thì Bộ đã làm những gì, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành Công Thương đã luôn phải bám sát, nắm rõ tình hình thực tế, lắng nghe các phản ánh của cộng đồng DN để phân tích, tìm ra các giải pháp phù hợp nhất.

Trên cơ sở đó, Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ phân phối hàng hóa, hạn chế tình trạng hàng hóa bị ách tắc trong lưu thông; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị sẵn các kịch bản, kế hoạch tiêu thụ nông sản để ứng phó theo từng cấp độ của dịch bệnh COVID-19.

Có thời điểm dịch căng thẳng nhất tại TP.HCM, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho thành phố này và các tỉnh phía Nam. Chúng tôi cũng đã lập Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản.

Một vấn đề dễ thấy nhất là thời điểm đó, nhiều DN rất khó khăn trong vận chuyển hàng hóa do yêu cầu xét nghiệm y tế, thiếu nhân lực, đầu tháng 7/2021, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu; gửi công văn tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng về việc hỗ trợ nhân lực, vận tải để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Một loạt các khó khăn khác của DN như: Không thể xin cấp thẻ nhận diện ưu tiên để vận chuyển lưu thông hàng hóa theo quy định, có tình trạng thực hiện không thống nhất và cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu tại nhiều địa phương, chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải ban hành các văn bản để tháo gỡ.

Bộ Công Thương cũng đã đề xuất với Chính phủ, sau đó cuối tháng 7/2021, lãnh đạo Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, theo đó, tất các các loại hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân được vận chuyển, lưu thông (trừ hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật).

Một số chính sách sau đó như việc cho phép “người chuyên chở hàng hóa” (shippers) được phép hoạt động nếu đáp ứng được các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo ngành y tế địa phương và các cơ quan liên quan ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng người lao động tại các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu: Lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu; người lao động trong các ngành vận tải và logistics... cũng xuất phát từ các đề xuất của Bộ Công Thương và đã được Chính phủ phê duyệt.

+ Ở thời điểm đó, cũng đã có thể ghi nhận kết quả khá rõ ràng của các giải pháp trên và hiệu quả của các chính sách này vẫn thể hiện cho đến nay?

- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, các vướng mắc trong hoạt động lưu thông hàng hóa đến nay đã cơ bản được tháo gỡ, hiện tượng ùn ứ tại các chốt kiểm soát đã giảm thiểu tối đa, góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ.

Sau khoảng thời gian lúng túng tại một số địa phương thì nhờ các chính sách, việc thực thi tốt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN thì cơ bản, tôi cho rằng, công tác cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của DN, người dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được đảm bảo.

+ Thưa Bộ trưởng, nếu tình hình dịch COVID-19 còn kéo dài và thậm chí có thể lại bùng phát trong năm 2022, Bộ có những giải pháp và kiến nghị các giải pháp chính sách gì để trong tình huống đó, vẫn khiến việc lưu thông hàng hóa hiệu quả, tránh tình trạng đã diễn ra như tại một số địa phương thời gian qua?

- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chúng tôi cũng đã tổng kết, đánh giá về vấn đề này qua thực tế triển khai năm vừa qua. Và đây cũng là vấn đề cần sự phối hợp của liên ngành để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, chúng tôi có đề xuất với Bộ GTVT phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế có phương thức kiểm tra thống nhất phương tiện vận chuyển người và hàng hóa tại các vùng, địa phương và trong toàn quốc. Thực hiện nghiêm quy định không kiểm tra trên đường vận chuyển, chỉ kiểm tra ở các địa điểm giao nhận, tập kết hàng hóa. Bộ cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT các địa phương khi ban hành các văn bản về vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn bên cạnh việc xin ý kiến Sở Y tế nên xin thêm ý kiến của Sở Công Thương và các Sở ngành liên quan để đảm bảo tính thống nhất liên ngành của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc đi, lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Chúng tôi cũng cho rằng, Bộ GTVT nên chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, các giải pháp hỗ trợ, nhằm giảm chi phí cho vận tải (phí BOT, cầu đường, bến bãi…), làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại các cửa khẩu, cảng biển để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, hỗ trợ miễn, giảm phí sử dụng đường cao tốc cho doanh nghiệp vận chuyển nông thủy sản.

Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ Y tế có cơ chế ưu tiên triển khai tiêm đủ 02 mũi vắc-xin cho các doanh nghiệp khối sản xuất, logistics và phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu. Tăng cường kiểm tra các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn đồng thời nghiêm khắc kiểm điểm các địa phương thực hiện trái chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan gây hiện tượng ùn tắc nông sản trong lưu thông.

Còn với các địa phương, chúng tôi cho rằng, lãnh đạo các địa phương thực hiện thống nhất chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa được thông suốt; không bán hành quy định trái với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; không phát sinh thủ tục hành chính làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp. Tăng cường đội ngũ giao nhận (shipper) để lưu thông hàng hóa; đội ngũ giao nhận cần được chuẩn hóa về sức khỏe (vắc-xin, test nhanh), phân bố phù hợp về số lượng tại từng khu vực theo mật độ dân cư.

Còn về phía Bộ Công Thương, để tăng cường hỗ trợ lưu thông phân phối hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng tại thị trường trong nước và quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngành Công Thương cũng sẽ tích cực thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo phương thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 đối với các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước và các Chương trình: Xúc tiến thương mại quốc gia, Thương hiệu quốc gia, Khuyến công quốc gia, Phát triển Thương mại điện tử; Đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước thông qua hệ thống cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường mạng internet, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua các nền tảng, ứng dụng thương mại điện tử.

Ngành Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản khi các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

+ Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng.

Mạnh Quân (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-nganh-cong-thuong-da-lam-duoc-nhieu-viec-ho-tro-doanh-nghiep-trong-dai-dich-covid-19-post178411.html