Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sớm hoàn thiện cơ chế giá điện hai thành phần
Chiều 27/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp về cơ chế giá điện hai thành phần với lãnh đạo các Cục, vụ liên quan cùng EVN, NSMO.
Thị trường điện Việt Nam đã và đang trong quá trình cải tổ theo hướng tự do hóa. Tại thời điểm hiện tại, thị trường điện phát điện cạnh tranh với một người mua đã vận hành được 8 năm, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã bắt đầu triển khai từ tháng 01/2019 và tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình Chính phủ đã đề ra.
Các giao dịch giữa người bán và người mua điện được thực hiện với cơ chế thanh toán theo các cách thức khác nhau nhưng đều thể hiện rõ hai khoản chi phí cung ứng: chi phí cố định và chi phí biến đổi của quá trình cung ứng điện.
Nói một cách tổng quan, một quá trình cung cấp điện được hình thành trên 02 yếu tố bắt buộc: Mức công suất sử dụng và sản lượng điện năng tiêu dùng. Vì vậy, việc định giá điện phải được tính toán đồng thời trên cả hai yếu tố này, có nghĩa là phải bao gồm chi phí công suất và chi phí điện năng để phản ánh đúng chi phí hộ tiêu thụ.
Thực hiện quy định tại Điều 25 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn tính toán, xây dựng Đề án “Nghiên cứu, xây dựng lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần (giá công suất, giá điện năng) cho các nhóm khách hàng sản xuất và kinh doanh”. Sau nhiều cuộc họp trao đổi về nội dung dự thảo Đề án, đến ngày 26/9, Cục Điều tiết Điện lực đã báo cáo Bộ Công Thương kết quả ban đầu của Đề án.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa cho biết: Về cấu trúc, Đề án gồm 03 phần chính trình bày về cơ sở lý luận, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và đề xuất lộ trình và đối tượng áp dụng giá điện 2 thành phần, được xây dựng tổng thể, nghiên cứu cho tất cả các nhóm khách hàng giá bán điện gồm giá công suất và giá điện năng cho các hộ ngoài sinh hoạt và các hộ sinh hoạt.
Theo đó, cơ chế giá điện hai thành phần dựa trên nguyên tắc nền tảng chi phí cung ứng điện và đặc điểm hộ tiêu dùng để đảm bảo khi áp dụng sẽ công bằng với các hộ tiêu thụ và hộ tiêu thụ chi trả chi phí mà họ gây ra cho hệ thống.
Đề án đã tính toán các thành phần về chi phí công suất biên dài hạn tới các cấp điện áp và chi phí điện năng biên phân bổ theo giờ cao thấp điểm. Cùng với đó, biểu giá điện hai thành phần phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất kinh doanh điện và có điều tiết giá để không thay đổi giá điện bình quân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả tính toán cũng đã thể hiện rõ hiệu quả của giá điện hai thành phần khi duy trì doanh thu không đổi nhưng nhiều hộ chi trả tăng và ngược lại nhiều hộ chi trả giảm so với mức chi trả hiện hành với cùng một sản lượng, một cơ cấu tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là chế độ sử dụng điện của khách hàng ảnh hưởng rất nhiều đến đơn giá họ phải trả buộc họ phải luôn quan tâm điều chỉnh phù hợp, mang lại hiệu quả từ hai phía, cung ứng điện và tiêu dùng điện.
Liên quan đến cách thức triển khai Đề án, theo ý kiến của ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc EVN, do việc thay đổi cơ chế giá điện sẽ ảnh hưởng rất lớn trên phạm vi rộng, đồng thời phải có thời gian để chuyển đổi về cơ sở vật chất, tổ chức v.v…nên cần có lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn phù hợp.
Tại cuộc họp các Cục, vụ có liên quan và Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện (NSMO) cũng đã có ý kiến thống nhất cần sớm hoàn thiện và triển khai áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cần tính đến những vấn đề phát sinh như nguồn lực và cơ sở hạ tầng điều độ, hệ thống công tơ của các khách hàng, sự phản ứng trái chiều trong các nhóm khách hàng...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và EVN cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn để sớm triển khai áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần, đây là một sự đột phá lớn trong hoạt động kinh doanh điện năng của Việt Nam, phù hợp với lộ trình cải tổ ngành điện.