Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu QLTT nếu địa bàn xảy ra vi phạm

Sáng ngày 16/3, trong chương trình Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu bật một số vấn đề đại biểu quốc hội nêu liên quan đến công tác quản lý thị trường (QLTT). Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

QLTT theo ngành dọc đã khẳng định tính đúng đắn

Liên quan đến công tác QLTT của Bộ Công Thương, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - đoàn Vĩnh Long đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cụ thể: Từ 2018 đến nay, chủ trương tổ chức bộ máy QLTT thực hiện theo mô hình quản lý ngành dọc đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn. Bộ trưởng có phát hiện những vướng mắc, chồng chéo trong thực thi chức năng nhiệm vụ của lực lượng QLTT, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác phối hợp liên ngành ở các địa phương... Nếu có, Bộ trưởng sẽ làm gì để xây dựng lực lượng QLTT chuyên nghiệp, hiện đại?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Theo Bộ trưởng, trong đề án được Chính phủ thông qua Nghị định 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, QLTT là một hoạt động diễn ra trong phạm vi của đất nước, lực lượng QLTT nếu như chỉ dừng lại cát cứ từng địa phương, chỉ trực thuộc Sở Công Thương thì giống như hoạt động thanh tra của ngành Công Thương ở địa phương. Để xử lý vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý phải liên thông phối hợp với nhau để xử lý tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, tuy nhiên 3 năm qua chuyển từ Chi cục thành Cục, chuyển từ trực thuộc Sở Công Thương về trực thuộc Tổng cục (Bộ Công Thương), trong thời gian đó vừa ổn định tổ chức bộ máy, khi về Tổng cục trực thuộc Bộ cũng mất quá nhiều thời gian trong việc đánh giá, xắp xếp quản lý. Không những thế phải gia tăng các hoạt động kiểm tra, kiểm soát xử lý.

Mặc dù vậy, Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục và cá nhân Bộ trưởng làm việc ở Tổng cục QLTT 3 lần đưa ra cơ chế quản lý, giám sát rất chặt chẽ, quy định, quy tắc ứng xử, chế tài xử lý vi phạm, đặc biệt gắn trách nhiệm cho người đứng đầu và tập thể lãnh đạo. “Bằng chứng đã xử lý hàng trăm cán bộ vi phạm, có cán bộ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật, có 6-7 cán bộ đứng đầu các Cục bị xử lý hoặc bị xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự, có 1 trường hợp đang xử lý về hình sự”- Bộ trưởng thông tin..

Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra quy định để lực lượng QLTT thực hiện một cách nghiêm túc. Trong trường hợp giao trách nhiệm cho quản lý giám sát thị trường, chẳng hạn như hoạt động kinh doanh xăng dầu và mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng thiết bị y tế, nếu ở đâu xảy ra tiêu cực, nơi nào để xảy ra vi phạm mà người đứng đầu không xem xét, xử lý theo thẩm quyền 1 cách kịp thời thì sẽ bị xử lý.

"Đề nghị đại biểu và cử tri, nhân dân giám sát, phát hiện những đơn vị nào xảy ra vi phạm nào mà người đứng đầu QLTT đó không thực thi được, như cây xăng nào đóng cửa không lý do, găm hàng mà không bị lập biên bản, không bị xử lý, hoặc đề nghị xử lý theo quy định thì dứt khoát Bộ Công Thương sẽ xử lý."- Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng lưu ý, QLTT mặc dù quản lý theo mô hình ngành dọc hay địa phương, muốn hoạt động hiệu quả hay không trước hết phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương và phải được sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân. “Bộ Công Thương đã chủ động yêu cầu Tổng cục QLTT phải tuân thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo, phối hợp các cơ quan chức năng địa phương và của nhân dân"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Thống nhất rất cao với câu hỏi của đại biểu Trang, Bộ trưởng bày tỏ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chấn chỉnh để làm sao sự phối hợp QLTT với các lực lượng chức năng địa phương tốt hơn, làm sao lực lượng được nhân dân giám sát, giúp đỡ nhiều hơn. Làm sao lực lượng này không chỉ tuân thủ chỉ đạo của Bộ, của Tổng cục mà phải tuân thủ cả sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương.

Kiểm soát chặt chẽ thị trường test-kit, vật tư trang thiết bị y tế

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Lưu Bá Mạc- đoàn Lạng Sơn chỉ ra: hiện nay đang có tình trạng khan hiếm nguồn cung thiết bị y tế, phòng chống dịch Covid-19, có tình trạng găm hàng, hoặc tăng giá bán các thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc các mặt hàng nêu trên? Bộ Công Thương có giải pháp khả thi xử lý vi phạm, đảm bảo cân đối cung cầu cũng như bình ổn thị trường thiết bị y tế?

Lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ lô kit test nhanh và thuốc tân dược trị giá 10 tỷ đồng ngày 14/3

Lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ lô kit test nhanh và thuốc tân dược trị giá 10 tỷ đồng ngày 14/3

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, mặt hàng vật tư y tế trong thời gian vừa qua, đã xảy ra hiện tượng vi phạm như đại biểu đã nêu. Thực tế thời gian qua Bộ Công Thương đã tập trung lực lượng QLTT - lực lượng chủ lực tập trung giám sát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Quyết kiệt hơn, Bộ đã ban hành Công điện từ đầu tháng 3 về việc tăng cường giám sát thị trường, đẩy mạn công tác kiểm tra, thu giữ và xử phạt.

Kết quả cho thấy lực lượng QLTT đã thu giữ 500 ngàn bộ kit test nhanh trên các địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Bình, An Giang, Quảng Ninh, Huế... "Gần đây nhất là ngày hôm qua, lực lượng đã thu giữ 60 ngàn bộ kit test, 3.000 sản phẩm thuốc tân dược, hàng trăm ngàn sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá chục tỷ đồng. Đây là vi phạm lớn nhất trong thời gian từ đầu năm đến nay”- Bộ trưởng thông tin.

Nêu bật giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng, ở địa phương phối hợp lực lượng 389 địa phương, ở Trung ương phối hợp 389 và Biên phòng, Hải quan, tiếp tục ngăn ngừa từ sớm các hàng hóa thiết bị y tế nhập lậu vào thị trường nội địa và tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương, ưu tiên cao kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các mặt hàng người dân đang có nhu cầu tăng cao.

Triệt phá nhiều vụ việc lớn về buôn lậu, gian lận thương mại

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - đoàn Đăk Lăk đặt câu hỏi: Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì về phòng chống buôn lậu gian lận thương mại, nhất là kiểm soát buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại điện tử thương mại điện tử?

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu cụ thể, thứ nhất, hiện nay tình trạng buôn lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, thực tế cho thấy tình hình buôn lậu ngày càng gia tăng do chính lợi nhuận mà hàng lậu mang lại.

Thứ hai, do nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân ngày càng cao, nhưng nền sản xuất của nước ta còn mất cân đối, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong khi đó, tâm lý sính hàng hóa ngoại, nhu cầu tiêu dùng của xã hội ngày càng có sự thay đổi, yêu cầu của người tiêu dùng tăng cả về số lượng và chất lượng cũng như hình thức, mẫu mã của sản phẩm hàng hóa. Xuất phát từ nhu cầu đó, hàng hóa do nước ngoài sản xuất có xu hướng cạnh tranh và tìm cách xâm nhập vào thị trường nước ta bằng con đường buôn lậu.

Thứ ba, công tác xử lý chưa triệt để, hiệu quả do phương thức hoạt động, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng rất tinh vi. Có thể nói, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong Bộ với các cơ quan chức năng khác chưa thực sự tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các lực lượng tiến hành thanh tra toàn diện, chuyên đề, mở các đợt tấn công triệt phá các đường dây, ổ nhóm vi phạm, kết quả, thu giữ, xử lý được khá lớn. “Bộ cũng chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình kiểm tra, giám sát, thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó siết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, nhất là đối với những cán bộ thị trường hoạt động trực tiếp tại các địa bàn”- Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, kết quả sau 3 năm hoạt động theo mô hình Tổng cục QLTT, lực lượng đã triệt phá được nhiều vụ việc lớn. Thời gian tới, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT khẩn trương, nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là phát huy vai trò là lực lượng chủ công trong Ban chỉ đạo 389 quốc gia, các tỉnh thành phố, phối hợp với lực lượng Công an, biên phòng…, nâng cao hiệu quả phòng chống buôn lậu.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ xây dựng triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đặc biệt, sẽ triển khai phối hợp với Biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động buôn lậu. “Mặc dù hoạt động buôn lậu, việc nắm bắt và có chức năng bảo vệ người tiêu dùng đầu tiên hiện phải thuộc phạm vi quản lý, nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Nhưng chúng tôi sẽ phối hợp, có trách nhiệm. Quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý đối với những cá nhân vi phạm. tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ bằng việc thanh tra kiểm tra công vụ thường xuyên, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu. Nếu người đứng đầu vi phạm sẽ bị xử lý, đầu tiên là tạm đình chỉ, hoặc luân chuyển công tác”- Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.

Người đứng đầu ngành Công Thương lưu ý thêm, thời gian tới, Bộ sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, làm tốt hơn công tác phổ biến, mở rộng mặt trận để người dân tham gia giám sát, giúp đỡ lực lượng chức năng.

Thu Phương - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-xu-ly-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-qltt-neu-dia-ban-xay-ra-vi-pham-173366.html