Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: 'Chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo đông đảo, hùng hậu, được chuẩn hóa và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như hiện nay'.
Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tại cuộc gặp gỡ ý nghĩa này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có phát biểu.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCHTWĐ khóa 11, ngành GD&ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
“Đất nước ta vừa mới thoát nghèo và còn đang trên đường phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Nhưng về giáo dục và đào tạo, chúng ta đã đạt được những kết quả lớn, trong đó có một vài chỉ số mà không phải nước phát triển nào cũng đạt được, chẳng hạn như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%.
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông của chúng ta đứng thứ 53 trên thế giới.
Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong Top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục và đào tạo của nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nếu so với mức đầu tư kinh phí cho đầu học sinh trên cả nước thì có thể nói đó là những kết quả rất kỳ diệu.
Tuy nhiên, giáo dục nước ta còn đang đứng trước nhiều thách thức lớn; trong đó, giáo dục vừa giải quyết những vấn đề mang tính cơ bản, tối thiểu cho giáo dục (chẳng hạn việc kiên cố hóa trường học, có chỗ học cho học trò, việc đảm bảo đủ số lượng tối thiểu giáo viên, …) lại phải hội nhập với thế giới, phát triển giáo dục với yêu cầu cao của thời cách mạng công nghiệp mới.
Đất nước đang trong thời kỳ chuyển đổi, giáo dục cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi sâu sắc, rất nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình đổi mới cần tập trung giải quyết không thể một sớm một chiều.
“Nước ta thực hiện đổi mới mang tính cách mạng trong giáo dục, nhưng thực hiện trong bối cảnh tiềm lực kinh tế, tài chính, đầu tư còn rất hạn hẹp.
Đó là thách thức của việc đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng trong sự chênh lệch giàu nghèo, với sự chênh lệch về điều kiện và cơ hội tiếp cận giáo dục, nhất là tiếp cận giáo dục chất lượng tốt.
Đó là thách thức của việc phát triển một cách công bằng giữa hai hệ thống giáo dục công và tư. Cần đảm bảo vai trò chủ đạo của nhà nước nhưng vẫn phát huy được vai trò giáo dục ngoài công lập.
Đó là thách thức của việc giáo dục phải giải quyết các vấn đề phi truyền thống đối với con người trong xã hội hiện đại như các vấn đề trẻ em tự kỷ, trầm cảm, trẻ em bị bỏ rơi thiếu sự chăm sóc trong các gia đình khi các cặp cha mẹ ly hôn với tỷ lệ rất cao.
Đó là căng thẳng xã hội, bạo lực trực tuyến, sự thay đổi về hệ giá trị khi đất nước chuyển mạnh sang cơ chế thị trường với sự hiện diện mới của cái ác và sự ích kỷ. Đó là những thách thức của thời đại số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, sự bùng nổ về tri thức.
Đó là sự cạnh tranh về thu hút chất xám và người học trên quy mô toàn cầu ngày càng gay gắt.
Đó là thách thức của việc các bậc phụ huynh và các cấp quản lý còn quá nặng về thành tích khiến trẻ em khổ nhọc, làm ngắn lại tuổi thơ và thiếu sự chia sẻ, thấu hiểu của phụ huynh và xã hội trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông với quá nhiều cái mới vượt ra ngoài kinh nghiệm, trải nghiệm của thế hệ trước” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ, về đội ngũ nhà giáo, thời điểm này, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, bao gồm cả hai khối công và tư, ở tất cả các cấp học, cả phổ thông, đại học và dạy nghề.
“Chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo đông đảo, hùng hậu, được chuẩn hóa và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như hiện nay” – Bộ trưởng đề cập.
Hiện nay đội ngũ nhà giáo có trên 6000 giáo sư và phó giáo sư, có khoảng gần 60.000 người có trình độ tiến sĩ; Có trên 600 nhà giáo được phong tặng nhà giáo nhân dân và trên 10.000 nhà giáo ưu tú.
Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới.
“Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất.
Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến. Đó là triết lý thích ứng và triết lý phát triển bền vững nền giáo dục của chúng ta” – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích.
Trong các chỉ đạo gần đây của đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định vai trò của lực lượng nhà giáo, là “đầu tầu của giáo dục”, là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục. Tổng Bí thư bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các nhà giáo khi dặn dò trong phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về Luật Nhà giáo rằng “luật Nhà giáo ban hành ra phải làm cho các nhà giáo phấn khởi, tươi vui, đón nhận…”.
Cuối bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Hôm nay ngành Giáo dục vinh dự được đón Tổng Bí thư tới chúc mừng, chỉ đạo ngành và động viên các nhà giáo. Tuy nhiên, chúng ta đều biết bản thân Tổng Bí thư, GS.TS Tô Lâm cũng là một nhà giáo lớn, có nhiều đóng góp cho ngành GDĐT, cho ngành Công an và cho đào tạo cán bộ cấp chiến lược. Nhân dịp sự kiện kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hôm nay, thay mặt cho ngành Giáo dục, xin bày tỏ sự chúc mừng và tri ân với thầy giáo, GS.TS Tô Lâm”.